Mô hình đổi mới sáng tạo trong giáo dục ở Lào Cai
Thứ ba, 00:00, 13/06/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài
VOV4.VN - Qua 10 năm thực hiện phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, ngành giáo dục – đào tạo Lào Cai đã nâng cao được hiệu quả và chất lượng giáo dục; phát huy nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành, góp phần vào đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Phóng viên Thu Hòa phỏng vấn ông Đặng Xuân Yên, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Lào Cai, về những hiệu quả thiết thực trong cách thức đổi mới sáng tạo.

 

PV: - Thưa ông,  Lào Cai từ trước tới nay luôn là điểm sáng trong công tác giáo dục. Vậy từ khi hưởng ứng phong trào Đổi mới sáng tạo, ngành giáo dục Lào Cai đã có những mô hình nào tiêu biểu?

 

Ông Đặng Xuân Yên: - Giáo dục Lào Cai thực hiện chỉ đạo mô hình Nhà trường gắn với thực tiễn địa phương. Như ở Sa Pa có mô hình trường học du lịch rất sáng tạo, nhân dân địa phương chính là phụ huynh hướng dẫn cho học trò làm những mặt hàng là sản phẩm của địa phương, như thuốc tắm, thổ cẩm. Học trò giới thiệu sản phẩm với khách du lịch.

 

Hoặc là nhiều trường chọn mô hình xây dựng trường học nông trại, ứng dụng KHKT tổ chức cho học sinh trồng rau và chăn nuôi. Ví dụ trường tiểu học Bản Sen ở Mường Khương, học sinh được cho cá ăn, cho chim bồ câu, dê ăn, tổ chức các tiết học phù hợp với nội dung, từ mô hình phát triển thành phong trào trồng rau xanh mạnh mẽ trên toàn tỉnh.

 

Huyện xa nhất của Lào Cai là Si Ma Cai đã tiến tới xây dựng vườn rau rất kiên cố. Họ xây tường rào cẩn thận, hoặc dùng những cột tốt làm thành vườn rau. Học sinh rất sáng tạo là dùng những vỏ bao xi măng cho đất vào đó, trồng những khóm gừng hoặc củ cải, cải bắp xếp ở xung quanh trường. Mỗi học sinh chăm 1 cây cải bắp đó, chăm 1 khóm gừng đó, vừa tạo niềm vui và sự thi đua cho các em, mà gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân địa phương.

 

Hoặc là mô hình trường học vườn đào thì các thầy cô và học sinh mang đào về trồng ở trường, để đến mùa xuân đào nở rất đẹp, tạo ra khung cảnh trường lớp, gắn với đó là thực hiện đổi mới theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục.

 

PV: - Đó là những mô hình cụ thể, còn phong trào thì sao, thưa ông? Với đặc điểm ở vùng cao là diện tích rộng, các điểm trường cách xa nhau, làm thế nào để các phong trào triển khai mang lại hiệu quả thiết thực nhất?

 

Ông Đặng Xuân Yên: - Xuất phát từ đặc điểm trường vùng cao là số lượng giáo viên đông trên khu vực rộng, nên chúng tôi phát động phong trào phòng giúp phòng, trường giúp trường, các trường vùng thấp và các trường vùng cao đến với nhau dự hội thảo chuyên đề, khác với kiểm tra chuyên môn, vì họ đến giúp nhau nên họ rất cởi mở, sẵn sàng chia sẻ khó khăn vướng mắc.

 

Phong trào này mang lại mục tiêu kép: người được giúp đỡ về chuyên môn, kinh nghiệm, cách thức tổ chức hoạt động tập thể, xây dựng cảnh quan trường lớp thì ngược lại, nâng cao ý thức trách nhiệm của các trường ở vùng thấp, chứng kiến khó khăn của đồng nghiệp mới thấy mình có rất nhiều thuận lợi, nên nhiều cái không vận động họ vẫn làm. Tôi lấy ví dụ như trường THCS Ngô Văn Sở của thành phố Lào Cai lên giúp đỡ trường Tả Gia Khâu của Mường Khương, mang cả học trò lên, và các thầy cô cũng đến dạy cả một tiết học trong lớp đó. Và lên đó thấy đội ngũ thầy cô rất thiếu nước, nên đã về vận động gửi cả những téc nước inox lên cho đồng nghiệp của mình.

 

Và phong trào này đã nâng lên mức độ thầy giúp thầy, thầy giúp trò, trò giúp trò, phụ huynh giúp phụ huynh. Phụ huynh ở vùng thấp sẵn sàng tham gia những nguồn lực, thậm chí họ đi cùng nhà trường lên với các trường vùng cao. Với việc ôn thi cho học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chúng tôi đang có trên 70 lượt giáo viên vùng thấp xung phong lên dạy ôn tập cho học sinh vùng cao hàng tháng, và đã có 3 thầy giáo tình nguyện từ thành phố Lào Cai lên tận Mường Khương và Sa Pa dạy học 3 năm rồi.

 

Trước đây chưa có phong trào này thì các trường vẫn lên giúp, nhưng chỉ giúp về vật chất thôi. Nhưng có phong trào này, chúng tôi lấy chuyên môn làm nòng cốt. Kết quả vượt ngoài mong đợi: các trường ở thành phố đến với vùng cao giúp đỡ nhau hàng nghìn giờ, và hình thành các cặp trường kết nghĩa với nhau.

 

PV: - Theo ông, muốn đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học ở vùng cao thì cần những yếu tố căn bản nào? Và cụ thể kinh nghiệm của Lào Cai như thế nào để các địa phương vùng cao khác có thể áp dụng?

 

Ông Đặng Xuân Yên: - Ngay từ cơ quan quản lý là Sở Giáo dục nhìn thấy đổi mới ở vùng cao là rất khó khăn, nên chúng tôi rất kiên trì, bằng những việc làm cụ thể, để trường học gắn với cuộc sống thực tiễn của nhân dân. Thứ hai là thầy cô đổi mới phương pháp dạy học, giảm tải để phù hợp cho các em nắm được chuẩn kiến thức. Chúng tôi nhấn mạnh khác so với trước là không khí tích cực trong các trường, tính đồng thuận của giáo viên, quang cảnh trường lớp, khung cảnh sư phạm thay đổi. Thứ ba là cách làm sáng tạo vì học sinh, những mô hình thư viện thân thiện, có thể ở trong lớp, có thể ở sân trường, ra chơi các em cũng được tiếp cận với thư viện. Hoặc là những ví dụ giúp các em học tập tốt hơn.

 

Như ở trường phổ thông số 4 huyện Văn Bàn có phong trào 50 xe đạp cho học sinh xa trường, nghĩa là có xe đạp cho các em cách trường 10 km - 5 km mượn, cuối năm lại sửa chữa cho các em khác mượn, đến nay đã được hơn 100 xe rồi. Như vậy, đổi mới này tác động đến từng người, tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn.

 

Trong quá trình đổi mới có sự tham gia rất mạnh mẽ của phụ huynh, nhiều trường phụ huynh còn đến học với con em mình để hiểu quá trình đổi mới như thế nào, tạo ra sự đồng thuận chia sẻ. Lào Cai chúng tôi quan điểm là phải đổi mới mới có hiệu quả, vì rất gần gũi với học trò. Chúng tôi thực hiện chương trình trường học mới một cách linh hoạt, không phủ nhận hoàn toàn phương pháp truyền thống.

 

Tôi nghĩ ở vùng cao càng cần đổi mới toàn diện, như là trồng cây chăn nuôi phải có kỹ thuật, khác với ở nhà. Từng bước sẽ dẫn đến việc các em và giáo viên tiếp tục có đổi mới cụ thể. Giai đoạn tới vẫn tập trung tăng cường tuyên truyền, để tiếp tục tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm đổi mới. Thứ hai là tổ chức cho học sinh theo hướng tự nghiên cứu, để có cách học dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

 

PV: - Xin cảm ơn ông.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC