Mới có 7 thứ tiếng DTTS được dạy trong trường phổ thông
Thứ ba, 00:00, 17/01/2017 Hòa - CT có băng Hòa - CT có băng

(VOV4) - Cả nước có hơn 20 dân tộc thiểu số có chữ viết, nhưng mới có 7 thứ tiếng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Trang thiết bị, sách công cụ, sách tham khảo còn thiếu; đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, phần lớn chưa được đào tạo chính quy… Đó là những thách thức không nhỏ trong việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường hiện nay.

 

Thách thức trong việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số

 

Thách thức lớn nhất trong việc dạy tiếng dân tộc thiểu số là lực lượng giáo viên quá mỏng, cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Sở Giáo dục đào tạo Gia Lai cho biết tỉnh có gần 100.000 học sinh dân tộc Gia rai (chiếm khoảng 30% HS phổ thông toàn tỉnh), nhưng chỉ có 244 giáo viên dạy tiếng Gia rai. Học sinh Ba-na chiếm khoảng 11%, nhưng chỉ có 32 giáo viên dạy tiếng Ba-na.

 

Tại Sóc Trăng, tỉ lệ học sinh Khmer là gần 40.000 em, chiếm 28% học sinh phổ thông toàn tỉnh, nhưng chỉ có 316 giáo viên dạy tiếng Khmer, trong đó 90% là giáo viên tiểu học. Hầu hết giáo viên mới có bằng Trung cấp sư phạm.

 

Dạy tiếng Khmer cho trẻ em. Ảnh: baomoi.com

 

Theo đại diện các Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An và Yên Bái, hầu hết giáo viên dạy tiếng Mông ở địa phương đều chưa được đào tạo sư phạm chính quy, theo đúng trình độ chuyên môn của từng bậc học.

 

Theo khảo sát thực tế, tại hầu hết điểm lẻ của các trường vùng cao, chủ yếu chỉ có giáo viên người Kinh và không được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số; nếu có giáo viên địa phương cũng chỉ mới đi học bổ túc mà chưa được chuyên sâu về phương pháp sư phạm. Trong khi muốn duy trì lớp, giáo viên phải biết rất rõ về tập quán và ngôn ngữ của các dân tộc ít người.

 

Một thách thức không nhỏ khác là nhiều chương trình dạy học tiếng dân tộc thiểu số vẫn đang ở dạng thực nghiệm hoặc thí điểm. Tiếng Hoa bậc trung học cơ sở đang dạy thí điểm. Tiếng Chăm Jawi đang dạy thực nghiệm ở An Giang, Tây Ninh. Tiếng Êđê đang thực nghiệm ở Đắc Nông và Đắc Lắc. Có những vùng nhiều đồng bào dân tộc ít người ở xen kẽ, một lớp học có đến 4-5 dân tộc khác nhau, việc tổ chức dạy riêng tiếng dân tộc cho các em gặp khó khăn, nhất là trong điều kiện giáo viên, phòng học còn thiếu.

 

Do đặc điểm một số môn học, tiếng dân tộc không đủ để chuyển tải kiến thức, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Một số thứ chữ dân tộc chưa đạt được sự đồng thuận về các mẫu chữ, bộ chữ… dẫn đến chất lượng, hiệu quả dạy và học tiếng dân tộc trong nhà trường còn thấp.

 

Một khó khăn không dễ vượt qua là việc dạy và học tiếng dân tộc ở một số nơi chưa nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Thậm chí có người cho rằng nếu con em mình nói tiếng dân tộc thường xuyên dễ dẫn đến hạn chế chất lượng học tập hoặc gặp khó khăn khi hoà nhập với môi trường đô thị. Cũng có người khi giao tiếp đã cố tình không dùng tiếng của dân tộc mình vì sợ bị kỳ thị...

 

Tuy việc dạy tiếng dân tộc thiểu số đã được thực hiện trong thời gian khá lâu, nhưng ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, việc đọc và viết được chữ mẹ đẻ chỉ dừng lại ở một số ít người. Ngay cả các em học sinh vốn đọc và viết thành thạo chữ DTTS ở bậc tiểu học thì khi lên các cấp học trên cũng dần đánh rơi vốn chữ.

 

Giải pháp nào?

 

Nhà giáo Hồ Chư, người dân tộc Vân Kiều, ở xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, bao năm theo đuổi công việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng dân tộc thiểu số. Ông chia sẻ: người dạy phải thực sự tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực trau dồi kiến thức mới truyền được lửa cho học sinh.

 

Việc học chữ DTTS không chỉ dừng lại ở nhà trường mà cần có sự tham gia đóng góp của phụ huynh và cả cộng đồng nơi các em sinh sống. Trước hết, các bậc ông bà, cha mẹ và những người thân phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc bảo tồn ngôn ngữ, từ đó khuyến khích cho trẻ tiếp cận vốn từ ngữ của dân tộc.

 

Người Thái học chữ viết của dân tộc mình. Ảnh: baonghean

 

Bà Lô Thị Ngoan, cán bộ nghỉ hưu tại bản Guồng, xã Châu Cường, huyện Qùy Hợp, Nghệ An, kể từ nhỏ đã được nhìn các cụ xưa đọc và viết chữ Thái nhưng không có người dạy. Bây giờ chính bà tìm thầy về tận nhà dạy tiếng dân tộc cho con cháu mình, bà cảm thấy con cháu được học chữ Thái là điều hạnh phúc.

 

Tại Gia Lai, Bộ Giáo dục Đào tạo đã thí điểm áp dụng mô hình lớp học có trợ giảng, cho học sinh giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc) là chủ yếu. Lớp học cũng được trang trí mang bản sắc dân tộc, cô giáo sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của học sinh, những bài hát, bài thơ lấy từ kho tàng dân gian mang đặc trưng dân tộc do các nghệ nhân tìm kiếm giúp... Đây là cách để học sinh hứng thú, gắn bó với bạn bè, cô giáo trước khi khai phá lĩnh vực mới mẻ là tiếng Việt và các môn học chung. Giải pháp dạy “song ngữ” được tiếp nối từ mô hình này. Học sinh sẽ được học tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của các em.

 

Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các trường Sư phạm xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số trình độ cao đẳng và đại học, đã ban hành được 4 chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer, tiếng Chăm, tiếng Gia rai và tiếng Mông trình độ đại học.

 

Ông Trần Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, cho biết: “Chúng tôi đang tích cực động viên và chỉ đạo các địa phương đã có tiếng nói và chữ viết thì tiếp tục triển khai hình thành các bộ sách và xây dựng các chương trình, tiến hành cho thí điểm. Trong tương lai, sau khi có chương trình sách giáo khoa mới, Bộ dự kiến đưa tiếng dân tộc trở thành bộ môn tự chọn và dạy trong khoảng từ lớp 3 đến lớp 9 tùy theo điều kiện của từng nơi, để các em ngoài việc nắm vững tiếng Việt thì vẫn sử dụng tiếng dân tộc để bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Hòa - CT có băng

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC