(VOV) - Sau 4 năm chia tách, bộn bề khó khăn, nhưng ngành giáo dục huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, đã cố gắng vượt bậc để học sinh không còn phải học trong các phòng học tạm. Tất cả các em đều được học trong các nhà lớp học 3 cứng: Cứng nền, cứng khung và cứng mái.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Tin, xã Nậm Tin, 3 năm nay, hơn 900 học sinh các dân tộc Thái, Mông, Dao ở điểm trường chính và các điểm trường lẻ đều được học trong các nhà lớp học vững chãi “3 cứng”: Nền cứng, khung cứng và mái cứng. Hơn nửa số học sinh thuộc diện bán trú của trường được tổ chức cho ăn, ở tập trung cũng trong những căn nhà vững chắc.
Còn trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Hỳ, với trên 600 học sinh, sạch đẹp đến bất ngờ. Phía trước sân trường, từng khóm hoa đua nở rực rỡ; phía sau, vườn rau mơn mởn với những luống ngay ngắn, xanh um. Bếp, phòng ăn và bàn ăn của trường hết sức tinh tươm.
Theo các thầy cô giáo, sau khi chia tách cách đây 4 năm, trường Nà Hỳ được Phòng giáo dục và huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học khá khang trang. Trường không còn phòng, lớp học tạm. Từ nhà ở bán trú cho đến bếp ăn được đầu tư xây dựng kiên cố, hay ít ra cũng đều "cứng" hóa.
Trường được trang bị hệ thống nồi hơi, nên việc nấu ăn tập trung lúc nào cũng sạch sẽ. Hệ thống này có tổng giá trị trên 300 triệu đồng, được lắp ghép liên hoàn, từ bộ phận dẫn lửa, đến nồi nấu, các khay cơm… rất tiện lợi cho việc sử dụng. Hiện nay, Nậm Pồ là địa phương duy nhất ở Điện Biên triển khai việc nấu ăn trong trường bán trú bằng hệ thống nồi hơi.
Nậm Pồ được chia tách từ huyện Mường Nhé năm 2012. Thời điểm ấy, huyện có 37 đơn vị trường, trên 650 phòng học, nhưng còn hơn 200 phòng là nhà tạm bợ. Đến nay, số trường ở huyện đã là 49 và phòng học là gần 1.000. Song, huyện không còn phòng học tranh tre nứa lá.
Theo ông Điêu Bình Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, huyện đã tăng cường xã hội hóa, đồng thời ưu tiên ngân sách gần 40 tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho giáo dục.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển bền vững. Dù còn không ít khó khăn, song khởi sắc của giáo dục hôm nay sẽ là nền tảng cơ bản để mảnh đất vùng cao biên giới Nậm Pồ từng bước ổn định.
Giờ ra chơi ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Hỳ 1
Hệ thống nồi hơi trong bếp ăn bán trú ở Nậm Pồ
Dãy nhà lớp học 3 cứng của Trường tiểu học
Thu Thùy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận