Thay đổi tư duy từ mô hình hỗ trợ có điều kiện
Thứ sáu, 00:00, 29/07/2016 Hòa - CT Hòa - CT

(VOV4) - Mô hình hỗ trợ có điều kiện (hay còn gọi là đầu tư tái thu hồi) là hình thức hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển kinh tế trong một khoảng thời gian, sau đó thu hồi để tái đầu tư, hỗ trợ cho các hộ dân khác. Mô hình này đã được triển khai tại Hà Giang, không những giúp bà con ổn định đời sống mà còn nâng góp phần cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn vay của nhà nước.

 

Mô hình “hỗ trợ có điều kiện”, ngay từ khi áp dụng, đã khuyến khích sự chủ động của mỗi hộ dân từ khi lên kế hoạch vay vốn và xuyên suốt cả quá trình sản xuất, chăn nuôi cho đến khi trả nợ. Mô hình mới, kéo theo tư duy mới, ở đây là sự tự chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm của mỗi hộ gia đình với hiệu quả đồng vốn vay.

 

 

Thay đổi tư duy từ mô hình hỗ trợ có điều kiện

 

 

Huyện Quản Bạ được chọn làm điểm mô hình Hỗ trợ có điều kiện của Hà Giang. Năm 2014, gia đình anh Sân Sài Hùng may mắn là một trong 10 hộ của xã Quản Bạ được vay vốn không lãi suất để chăn nuôi lợn: "Từ tháng 5- 2014, gia đình tôi đã vay 45 triệu chăn nuôi gắn với biogas. Đợt 1 lãi 15 triệu, bán rồi tiếp tục nuôi thêm. Lần thứ 2 góp được mua thêm máy xát, phát triển đàn lợn. Tháng 5 vừa rồi gia đình đã trả được nguồn vốn vay, cuộc sống gia đình thuận lợi nhiều hơn".

 

Hơn chục con lợn, 2 con trâu, 3 con bò là tài sản của gia đình ông Nguyễn Đình Huyên, ở thôn Lùng Dìn, xã Quản Bạ, sau hai năm được vay vốn từ mô hình đầu tư tái thu hồi. Gia đình ông đã tạm gọi là có của ăn của để. Từ 45 triệu đồng vốn vay, ông Huyên đã sửa chữa, mở rộng thêm 1 gian chuồng, xây bể biogas và mua thêm lợn giống về nuôi. Đợt nuôi đầu được 20 con lợn, gia đình ông thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Tháng 6 vừa qua, gia đình ông Huyên đã hoàn trả được toàn bộ số vốn vay của ngân hàng.

 

 

Gia đình ông Huyên lãi khoảng 15 triệu đồng từ việc nuôi lợn.  Ảnh minh họa: dantri.com

 

Nhiều hộ dân ở Quản Bạ đã mạnh dạn vay vốn từ mô hình hỗ trợ có điều kiện để phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng bể biogas, như yêu cầu của huyện đối với người dân vay vốn. Bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả là giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng nguồn phân bón có chất lượng cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Theo ước tính, một hầm bioga với thể tích hầm chứa 5m3, mỗi ngày sẽ phân huỷ khoảng 20kg chất thải chăn nuôi và tạo thành 0,9m3 gas làm chất đốt, tiết kiệm được một lượng củi sử dụng trong nấu ăn và điện trong sinh hoạt gia đình với mức khoảng 600 nghìn đồng/tháng.

 

Sau 2 năm thực hiện mô hình hỗ trợ có điều kiện, đến nay, huyện Quản Bạ có gần 40 hộ gia đình tham gia, tập trung tại 10 xã có thế mạnh về chăn nuôi. Với tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,4 tỷ đồng, mỗi hộ sẽ được vay không lãi suất từ 25-45 triệu đồng. Thời gian thu hồi vốn là 12 tháng đối với hộ chăn nuôi bò vỗ béo và 24 tháng đối với các hộ chăn nuôi ngựa, dê, lợn, bò sinh sản. Từ 40 hộ này, nhiều bà con khác cũng đang nung nấu ý định đăng ký vay vốn để chăn nuôi, sản xuất.  

 

Hiện nay, ngoài Quản Bạ, tại tỉnh Hà Giang, mô hình hỗ trợ có điều kiện đang được triển khai rộng rãi ở một số huyện khác như Yên Minh và Quang Bình, giúp bà con phát triển chăn nuôi và chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, mô hình này cũng đã bộc lộ một số hạn chế. 



Tiếp tục gỡ khó để nhân rộng mô hình

 

 

Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ, cho biết: "Hiện nay có 2 vấn đề còn vướng một chút. Thứ nhất nguồn đầu tư có thu hồi chưa nhiều vì ngân sách huyện khá hạn hẹp, hai là nhận thức và kỹ năng của người dân chưa đáp ứng được với yêu cầu, nên rủi ro vẫn tiềm ẩn. Một số hộ sau khi vay 2 năm rồi vẫn chưa đủ tiền để trả vốn do làm ăn thua lỗ, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn và chuyển đổi cho vay sang các hộ khác".

 

Anh Mùa A Chu, ở thôn Phín Ủng, xã Quản Bạ, bày tỏ: “Gia đình tôi được hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, trước đây toàn cấp phát miễn phí cho người dân. Bây giờ thì hộ nghèo vẫn được ưu tiên hỗ trợ nhưng gia đình phải lao động, phải tính toán mới kịp thời gian trả nợ và phát triển được kinh tế. Gia đình nguồn vốn không có nhiều, mong Nhà nước tiếp tục quan tâm cho vay tiếp để chăn nuôi”.

 

 

Hỗ trợ người dân chăn nuôi kết hợp xây bể biogas.  Ảnh minh họa:dantri.com

 

Mỗi giai đoạn vay vốn, UBND huyện Quản Bạ lại đặt ra từng mô hình xóa đói giảm nghèo cụ thể, để các hộ lựa chọn cho phù hợp, như: chăn nuôi lợn kết hợp xây bể biogas, hoặc là  nuôi dê luân chuyển, hoặc là chăn nuôi bò sinh sản… Thời gian tới, huyện Quản Bạ vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển mô hình này.

 

Ông Hạng Dương Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm ngân sách để thực hiện nhiều mô hình có thu hồi, như vậy để vừa hỗ trợ người dân có kinh phí thực hiện mô hình kinh tế cho mình, đồng thời gắn trách nhiệm cho người dân trong sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Vì hàng năm huyện được phân cấp không nhiều kinh phí, huyện đã sử dụng nguồn lực đó để người dân vay và thực hiện các mô hình, và đã có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các kỹ thuật viên là cán bộ các ngành chuyên môn, có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp cho các mô hình này làm sao đảm bảo nuôi ngựa, bò, dê, lợn có hiệu quả, không bị ốm chết, phát triển được. Có vài trường hợp mua 1 đàn lợn nhưng bị dịch chết, chúng tôi đã tiếp tục vận động các đoàn thể cấp xã huy động đóng góp để người ta vay lại, hoặc hỗ trợ trong nội bộ thôn với nhau, người nhà này cho nhà bên kia vay để mua lại đàn giống và khôi phục sản xuất”.

 

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững vừa tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm. Các chính sách tín dụng ưu đãi tiếp tục được tập trung triển khai, nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân nghèo. Trong đó nhấn mạnh việc tăng dần chính sách cho vay có điều kiện.

 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc cho vay có điều kiện sẽ giúp chương trình giảm nghèo đi vào thực chất hơn, góp phần phát triển đất nước. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo rà soát danh mục các huyện, xã nghèo; rà soát chính sách, bảo đảm thận trọng cho cả chính sách đã có và ban hành chính sách mới. Một số nơi vẫn phải có chính sách cấp phát, nhưng phải căn cơ, cụ thể, giảm bớt phần của Nhà nước càng nhiều càng tốt, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và ý chí vươn lên của người dân; không bao cấp tràn lan vì sẽ triệt tiêu động lực vươn lên của người dân.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Hòa - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC