Thiếu giáo viên giỏi tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số
Thứ sáu, 00:00, 05/05/2017 THU HA/VOV4 THU HA/VOV4

VOV4.VN - Việc giáo dục song ngữ cho trẻ em các dân tộc thiểu số được đưa vào thí điểm ở một số địa phương vùng cao. Nhưng các trường lại đang thiếu nhiều giáo viên biết cả 2 thứ tiếng: tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số.

 

Đa phần các dự án được triển khai trong vài năm trở lại đây đều là các dự án quốc tế và thường tập trung vào một cộng đồng nhỏ, một vài xã hoặc một vài huyện. Tuy vậy, những kết quả thu được tương đối khả quan.

 

Rõ nét nhất là Dự án “giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”, do Tổ chức UNICEF và Bộ Giáo dục đào tạo triển khai tại 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh. Sau 8 năm thực hiện, từ 2008 đến 2016, hơn 1.000 học sinh mẫu giáo và tiểu học của 3 dân tộc Mông, Gia rai và Khmer tham gia dự án, đều nhanh nhẹn và tự tin hơn trước.

 

Tỉ lệ học sinh khá, giỏi của học sinh song ngữ cao hơn so với học sinh bình thường và chiếm khoảng 70%. Đặc biệt, tỉ lệ chuyển cấp của học sinh song ngữ là 100%, nhiều em làm cán bộ lớp ở cấp trung học cơ sở đều là học sinh đã từng học song ngữ.

       

Các dự án cũng làm các bậc cha mẹ quan tâm đến việc học tập của con hơn, nhiều phụ huynh đã học cùng con tại nhà.

 

Tuy vậy, vẫn còn  rất nhiều khó khăn đặt ra cho công tác này, trong đó có việc thiếu trầm trọng những giáo viên biết cả 2 thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số.

 

Đa số giáo viên vùng cao là người Kinh, ở nơi khác đến giảng dạy, nên họ không biết ngôn ngữ dân tộc, nếu biết thì cũng chỉ dừng ở mức độ rất ít. Vì vậy, họ không có điều kiện tìm hiểu về phong tục tập quán của các em, cho nên khó có thể tiếp cận với phụ huynh và gia đình các em. Điều này đồng nghĩa với việc rất khó rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò, để dạy tiếng Việt hiệu quả.

 

Còn với giáo viên là người dân tộc thiểu số, đa số trình độ chuyên môn lại chưa đạt chuẩn, nhiều người mới chỉ trải qua những lớp đào tạo ngắn hạn. Bản thân họ cũng chưa nắm vững những kiến thức về tiếng Việt nên việc chuyển tải những kiến thức này đến học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

 

Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là một trong những vấn đề đặt ra. Trước hết cần đào tạo đội ngũ giáo viên song ngữ, vì chỉ đội ngũ này mới đảm bảo được yêu cầu giảng dạy tốt cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ cho các em.

 

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Trần Trí Dõi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển các dân tộc thiểu số miền núi và lưu vực sông Hồng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Trước hết cần xây dựng đội ngũ giáo viên ở các trường ĐH để đào tạo giáo viên. Những người này vừa nói tiếng dân tộc, vừa nói tiếng quốc gia một cách thông thạo. Sau khi  có đội ngũ đó rồi thì các ĐH vùng như  ĐH Tây Bắc, Tây Nguyên, Tuyên Quang, Trà Vinh, ngoài hệ ĐH phải có hệ trung cấp để đào tạo đội ngũ giáo viên. Tức là phải đào tạo giáo viên một cách bài bản".

 

Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ, điều động bổ sung giáo viên từ các vùng có điều kiện phát triển hơn đến hỗ trợ giáo viên tại chỗ; đồng thời bồi dưỡng có hệ thống để nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tại chỗ. Chỉ khi nào triển khai được những giải pháp đồng bộ này và có sự đầu tư kinh phí hợp lý, thì mới gỡ khó được tình trạng: các dự án song ngữ triển khai xong, khi rút đi, mọi việc lại đâu đóng đấy. Và chỉ có như vậy, việc giáo dục song ngữ cho trẻ em vùng cao mới có tính bền vững.

 

 

 

Thu Hà/VOV4

THU HA/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC