Trao quyền cho người nghèo để giảm nghèo bền vững
Thứ tư, 00:00, 04/01/2017

(VOV4) - Để giảm nghèo bền vững, thì một hướng mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2010 là trao quyền cho người nghèo.

 

Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, cho biết: "Giai đoạn này, Nhà nước không làm thay. Nhà nước hỗ trợ vốn, quy định, rồi hướng dẫn, kiểm tra. Vấn đề hỗ trợ sinh kế, kể cả một phần đầu tư hạ tầng, sẽ giao cho cộng đồng. Làm gì, làm như thế nào, do cộng đồng tự quyết. Việc hỗ trợ sẽ theo thứ tự ưu tiên, ưu tiên cho người nghèo dân tộc thiểu số, người cận nghèo.

 

Đặc biệt, sắp tới, chúng tôi đề ra một cơ chế là phải thu hồi quay vòng. Nhà nước không lấy lại tiền, mà cộng đồng sẽ quyết định ai tham gia trước, ai tham gia sau. Và người tham gia trước phải có trách nhiệm hoàn lại phần vốn để cho các hộ khác tham gia".

 

Trao quyền cho người nghèo để giảm nghèo bền vững. Ảnh: baomoi.com

 

Tại Hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc triển khai tại 8 tỉnh, câu chuyện trao quyền cho người dân lại được nhắc tới như là một yếu tố quyết định tới thành công giảm nghèo.

 

Tại 8 địa phương thực hiện, Dự án tập trung hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn, bản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người nghèo; nhân rộng các mô hình sáng tạo, mô hình trọn gói trong giảm nghèo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực của người dân khi triển khai các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Chúng tôi tạo mô hình sinh kế cho người nghèo. Cái mới ở đây là chúng tôi phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự chủ từ chính quyền cơ sở và nhóm hộ nghèo. Người dân đã đồng tình chọn được con bò, nhưng trong con bò này không phải chỉ dùng tiền hỗ trợ của Dự án, mà địa phương vận động hộ nghèo đóng góp thêm hoặc là vay từ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi mua thêm 1 con bò nữa. 42 hộ nghèo tại 3 xã thực hiện trong hơn 3 năm vừa qua thực hiện mô hình này cho kết quả rất tốt".

 

Để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo giai đoạn tới,  Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trong việc sắp xếp, tích hợp hệ thống chính sách giảm nghèo đa chiều, hài hòa với các chính sách phát triển kinh tế, xã hội; cải cách phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo, lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm.

 

Dự án hỗ trợ các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phân cấp, trao quyền, hỗ trợ trọn gói, phát huy vai trò cộng đồng ở các cấp địa phương; đồng thời nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ cơ sở trong việc thực hiện chương trình và phát huy vai trò cộng đồng và trách nhiệm của người nghèo.

 

Một sự hỗ trợ nữa đang đến rất gần với đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã ký ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác gồm 7 người, là các chuyên gia về các lĩnh vực công tác dân tộc, để kết nối nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng chính sách khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số sắp được tổ chức sẽ có chủ đề “Kết nối hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào DTTS”. Trao quyền và hỗ trợ sẽ là tiền đề, là động lực để người dân tộc thiểu số nghèo, vùng nghèo tự tìm cách thoát nghèo bền vững.

 

 

Thanh Tâm/VOV4

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC