Vùng cao Yên Bái xóa điểm trường lẻ
Thứ ba, 00:00, 04/10/2016

(VOV) - Năm học này, tỉnh Yên Bái xóa bỏ gần 180 điểm trường lẻ ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mở đầu cho Đề án rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp học, được thực hiện từ nay đến năm 2020.

 

Xóa điểm trường lẻ, nhiều học sinh phải xa nhà nhưng điều kiện học tập của các em tốt hơn trước rất nhiều. Năm học này, Trường tiểu học xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, đón hơn 120 học sinh từ các điểm trường lẻ về điểm trường chính. Nhiều em chưa quen xa nhà, những ngày đầu khóc đòi về, các thầy cô dỗ dành và quan tâm đặc biệt nên đã ổn định tinh thần, chú tâm học tập. Đối với số học sinh lớp 1 còn quá nhỏ, ngoài sự chăm nom của các thầy cô giáo, nhà trường bố trí các anh chị lớp trên chăm sóc, kèm cặp.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Thuận lợi là học sinh từ trên bản xuống đây thì cơ sở vật chất đảm bảo hơn. Các em được ăn, học, ở tại điểm trường chính, thì tối, các thầy cô rèn cho học nên đảm bảo chất lượng. Khó khăn nhất là các em học sinh lớp 1 còn nhỏ quá, khi xuống đây thì một số phụ huynh e ngại, nhưng mà 1-2 năm đầu thôi, còn dần dần sẽ hiệu quả".

 

Những điểm trường như thế này rồi sẽ không còn nữa. Ảnh: baoyenbai.com.vn

 

Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, sáp nhập 5 điểm trường lẻ về điểm trường chính. Tổng số học sinh từ các điểm trường lẻ chuyển về trường chính là 195 em. Để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, ngay trong hè, nhà trường đã bố trí giáo viên vận chuyển toàn bộ bàn ghế, bảng đen, sách giáo khoa cùng đồ dùng học tập từ các điểm trường lẻ về điểm trường chính.

 

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải, thông tin: Thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp học, toàn huyện Mù Cang Chải xóa 98 điểm trường lẻ (trong đó có 29 điểm trường mầm non, 69 điểm trường tiểu học). 86 phòng học ở các điểm trường lẻ đã được di dời về các điểm trường chính để đảm bảo đủ chỗ học và ăn nghỉ cho học sinh. Đến thời điểm này, việc sáp nhập cơ bản ổn định. Một số phụ huynh lo con em mình học xa nhà nay cũng đã yên tâm, thậm chí phấn khởi khi về thăm các điểm trường chính, thấy con em mình được học tập và sinh hoạt tốt hơn.

 

"Cơ sở vật chất, bao gồm phòng học, phòng ở, bếp ăn, để đáp ứng nhu cầu của các em, tăng rất là cao. Chúng tôi đề nghị Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của các em. Thứ hai là khi học sinh bán trú từ các điểm lẻ về ở đông, thì cũng khó khăn cho công tác quản lí học sinh. Chúng tôi đề nghị xem xét có vị trí việc làm cho công tác quản sinh, cụ thể là những trường có từ 400 học sinh bán trú thì bố trí từ 2 đến 3 giáo viên làm công tác quản sinh" - bà Hương nói.

 

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, 79 điểm trường lẻ được chuyển về các điểm trường chính. Để việc thực hiện có hiệu quả, ngoài sự đầu tư của nhà nước, sự ủng hộ của nhiều tập thể, cá nhân thì các nhà trường đã chủ động sắp xếp cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

 

Từ nay đến năm 2020, Yên Bái sẽ xóa bỏ trên 600 điểm trường lẻ. Đây là bước chuyển mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, để con em đồng bào các dân tộc được học tập trong môi trường đảm bảo tiêu chuẩn. Ngay năm học 2016 – 2017 này, việc xóa các điểm trường lẻ đã được thực hiện ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Lần đầu tiên, nhiều học sinh được dự lễ khai giảng đúng nghĩa. Và nhiều thầy cô giáo đã không còn phải lặn lội vượt núi đèo, thác ghềnh để đến với học trò nơi trường lẻ heo hút mờ xa.

 

 

 

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC