Bà mối người M’nông
Thứ hai, 15:21, 24/07/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Bà mối của người M’nông không chỉ có đức, có uy tín, bà còn phải có tài. Cái tài ở đây là tài ăn nói, tài thuyết phục để làm sao cho nhà gái thuận lòng, ưng bụng gả con gái.

 

Cầu nối, xe duyên

Sinh sống lâu đời trên vùng đất Đắk Nông, đồng bào M’nông đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống giàu bản sắc.

Dù ngày nay có sự giao lưu, hội nhập với các dân tộc anh em sống trên cùng địa vực, nhưng người M’nông vẫn bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, phong tục cưới hỏi vẫn mang nhiều nét đẹp mà bà con M’nông luôn trân trọng, giữ gìn.

Với người M’nông ở Đắk R’lấp – một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đắk Nông, hôn nhân là chuyện đại sự của gia đình. Bà mối chính là người đại diện cho gia đình lo liệu, chung tay gánh vác đại sự ấy.

Trong xã hội cổ truyền, việc cưới hỏi luôn do bố mẹ hai bên định đoạt. Bởi vậy, khi muốn tìm vợ cho con trai, gia đình ấy phải nhờ bà mối thay mặt mình sang nhà gái thưa chuyện để ngỏ ý, thăm dò.

Ngay cả khi chàng trai cô gái yêu nhau, vẫn phải được bố mẹ nhờ mai mối. Bà Thị Mơm, người M’nông ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp bảo: “Biết con mình thích cô gái này rồi, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ bà mối đi hỏi xem con gái nhà họ có ai hỏi chưa. Chưa có là mình tiến tới”.

Một khi nhà gái đã ưng bụng, kể từ ngày hôm đó công việc của bà mối sẽ tất bật hơn. Từ thay mặt nhà trai nói chuyện trong lễ dạm hỏi, bà cũng truyền đạt lại những ý kiến của nhà gái để họ chủ động chuẩn bị chu đáo mọi thứ đáp ứng theo tiêu chuẩn bên nhà thông gia. Rồi đến ăn hỏi, làm lễ cưới, nhà trai cũng như nhà gái đều có một bà mối của riêng mình, đại diện gia đình hai bên để trao đổi, bàn bạc.

Theo chị Thị G’râu, người M’nông ở bon Đắk B’Lao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, bà mối không chỉ là cầu nối xe duyên cho đôi trai gái đến với nhau, bà còn là nhân chứng cho tình yêu của đôi trẻ.

“Ví dụ, tôi là bà mối của bên gái tôi phải có trách nhiệm với cô dâu. Tôi phải hỏi cô dâu có yêu thương thật lòng anh chú rể này không. Trong đó, bên cô dâu phải hứa với bà mối rồi, bà mối mới làm chứng cho bên họ nhà trai. Sau này, trường hợp mà cô dâu hứa nhưng không có làm được như vậy, bên nhà trai đòi trả lễ như thế nào bà mối sẽ có trách nhiệm nói với nhà gái”. – Chị Thị G’râu nói.

Tiêu chuẩn chọn mối

Mỗi bon làng của người M’nông đều có 1 - 2 người làm mối. Họ đều là người uy tín trong làng, được mọi người kính trọng. Hai vợ chồng người làm mối đều có cuộc sống hạnh phúc, con cái đủ đầy, có nếp, có tẻ.

Anh Y Lanh, người M’nông ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông cho hay, đám cưới nào có mối, có già làng uy tín, đó được xem là gia đình gia giáo.

“Đám cưới đó có thể nhiều người đi dự, nhưng đám cưới không có bà mối, tự làm này kia, là người ta ăn cơm trước kẻng, người ta không kiếm bà mối. Gia đình người ta tự làm. Đám cưới đó được coi là không có tốt đối với buôn làng theo quan niệm của người M’nông”. Anh Y Lanh cho biết.

Bà mối của người M’nông không chỉ có đức, có uy tín, bà còn phải có tài. Cái tài ở đây là tài ăn nói, tài thuyết phục để làm sao cho nhà gái thuận lòng, ưng bụng gả con gái cho.

Ở lễ cưới, bà mối phải thể hiện tài hát hay, đối đáp giỏi, đám cưới sẽ thêm phần long trọng, vui vẻ.

Bởi trong ngày cưới, khi nhà trai sang nhà gái đón dâu, đến cổng, đoàn sẽ không được vào ngay. Bà mối phải cất lên tiếng hát của mình, nói những lời hay, ý đẹp ứng khẩu được với bà mối bên nhà gái, cho đến khi nhà gái cảm nhận được thịnh ý của mình, mới được vào nhà.

 Quan trọng như vậy cho nên việc tìm được một bà mối đều được người M’nông lựa chọn kỹ lưỡng. Họ phải tìm được người mối sống ngay tại làng, am hiểu phong tục tập quán, biết luật tục để tránh những chuyện không hay xảy ra trong đám cưới.

Đền ơn đáp nghĩa bà mối

Người làm mối một khi nhận lời, đảm đương công việc, họ sẽ có trách nhiệm và hết mình với sự ủy thác của gia đình. Chính vì sự hết lòng, sự chu đáo của bà mối mà sau lễ cưới, gia chủ sẽ thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đến bà bằng một chiếc đùi heo.

Đó là sau lễ cưới. Còn về sau này, trong cuộc sống đời thường, bà mối có công to việc lớn, có những khó khăn, đôi vợ chồng trẻ được bà làm mối ấy, sẽ có trách nhiệm phụ giúp, chia sẻ cùng bà.

Nếu đôi trẻ ăn nên làm ra, họ phải nhớ đến công ơn bà mối khi xưa, nhờ có bà họ mới thành đôi. Họ sẽ làm một nghi lễ để đền ơn đáp nghĩa. Tục lệ này có ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ người M’nông.

“Sau này họ có nhiều cái lễ lắm. Lễ đưa củi, lễ bắt cá, lễ đưa chuối… Đôi vợ chồng đó ăn nên làm ra họ sẽ tổ chức một nhóm bạn bè của họ đi bắt cá cho cái bà mối đó. Hay đi chặt 40 – 60 gùi củi, đưa cho bà. Rồi bà mối đó cho một ché rượu cần để mình uống,cùng chung vui. Đó là đền ơn đáp nghĩa, mang tinh thần đoàn kết, gắn bó. Sau này những cặp khác nhìn gương đó mà sống. Từ đó tự nhiên con cháu của người M’nông phát triển tốt”. Anh Y Lanh chia sẻ.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC