Sống vì cộng đồng
Trong nếp sống cổ truyền, người Xê đăng cư trú thành từng làng, các gia đình quây quần bên nhau gắn bó. Nhà nọ giúp đỡ nhà kia. Mỗi làng có một nhà rông để cộng đồng cùng nhau sinh hoạt. Và đứng đầu mỗi làng có vị già làng, là người điều hành công việc chung và đại diện cho cộng đồng.
Người Xê đăng có tín ngưỡng đa thần. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ, con suối, ngọn núi với họ đều có linh hồn. TS A Tuấn, Viện Nghiên cứu Văn hóa, người Xê đăng, nhóm Xơ teng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum giải thích, cuộc sống luôn dựa vào thiên nhiên đã hình thành nên ở người Xê đăng tín ngưỡng này.
Trang phục của người Xê đăng ở Đắc Tô
“Trong cuộc sống cái gì cũng dựa vào thiên nhiên. Sống nhờ rừng và bảo vệ rừng, người ta có tín ngưỡng thờ đa thần. Từ mỗi ngọn cây, ngọn sông, ngọn núi, cây cỏ, các vật dụng đều có linh hồn, đều có thần hết. Thần nước, thần núi, thần sông, thần sấm sét, thần lúa’. – TS A Tuấn nói.
Mỗi một vị thần trong tâm thức của người Xê đăng có vị trí, vai trò khác nhau. Nhưng tựu chung đều bảo trợ cho cuộc sống an bình, no ấm của dân làng. Hằng năm bà con đều có lễ cúng tế để tạ ơn cũng như cầu các vị thần che chở. Đồng bào còn có hẳn một vị thần chuyên chăm lo cho việc sinh sản cũng như bảo hộ việc sinh trưởng của mỗi đứa trẻ người Xê đăng.
Cũng như bao dân tộc anh em định cư vùng núi Tây Nguyên, làng của người Xê đăng mang tên theo đặc điểm nơi cư trú. Có nơi tên suối là tên làng, hay có nơi làng mang tên cây cổ thụ, ngọn núi, ngọn đồi… Người làng đùm bọc, che chở nhau. Việc của làng cũng là việc của từng gia đình. Làng có hội, các gia đình cùng nhau đóng góp, tổ chức. Làng đón khách thì các gia đình hôm ấy cùng chung tay.
Bà Y Xinh, người Xê đăng ở thị trấn Đắc Tô, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum bảo: “Nếu khách chung họ báo ông già làng đón khách chung tại nhà rông. Còn nếu khách gia đình của người ta họ quý thì gà phải có, rượu phải có, không có phải đi mượn. Gà cồ chứ không phải gà mái đâu. Gà trống ấy. Người ta coi cái đầu chỗ cái mỏ xem thử khách đi về có an toàn không. Mời khách cái đầu. Cái nào mời khách, cái nào cả làng. Bởi vì cả làng đoàn kết mà. Nhưng mình cái đầu gà đấy phải của khách rồi. Cho khách ăn cái đầu thể hiện mình quý khách. Nhưng khách không thể ăn một mình được, nên cả nhà cùng ăn. Có lá mì chua, có cái gì mặc kệ. Cứ cây nhà lá vườn, báo trước là đãi khách”.
Ẩm thực còn là một nghi lễ
Sống gần gũi với rừng nên ẩm thực của người Xê đăng cũng vô cùng phong phú. Bánh củ mì là một món ăn truyền thống của nhánh Xơ teng. Độ mềm, dẻo sánh của bột mì, kết hợp mùi thơm của lá chuối tươi tạo nên mùi hương thanh nhẹ khó lẫn. Củ mì cạo vỏ, rửa sạch bào thành sợi sau đó đem nấu thành lớp bột sền sệt. Họ gói trong lớp lá chuối rồi vùi vào tro nóng cho đến khi bánh chín là có thể thưởng thức.
Còn người Xê đăng ở thị trấn Đắc Tô lại có món bánh ốc sên – thứ bánh nếp mà ngày xưa bà con chỉ gói trong mùa đầu năm. Chỉ mùa ăn lúa thừa, người Xê đăng ở thị trấn Đắc Tô mới gói thứ bánh nếp này. Bởi lúc ấy lúa đến mùa trỉa hạt. Họ để lại đám lúa còn dư làm bánh dâng cúng tổ tiên, thần linh cho mùa mới lúa thêm nặng hạt.
Dân tộc Xê đăng yêu dân ca, dân vũ, sáng tạo nhiều nhạc cụ dân gian làm phong phú đời sống tinh thần
“Nếp mình tỉa còn dư. Tỉa xong xuôi còn mấy đám, mấy đám làng nào cũng vậy, nhà nào cũng vậy hết. Tôi để 5 tạ, tôi tỉa hết 2 tạ, 4 tạ còn lại 1 tạ là bắt đầu lúc đó mình tập trung mình giã ăn hết. Bắt đầu mới gói bánh ốc sên. Ngày có trăng. Đất người ta nhiều, người ta tỉa trong 2 tháng. Tháng 4 bắt đầu người ta tỉa, hết tháng 5 họ xong, tháng 6 người ta gói bánh người ta ăn mừng. Lúc mình làm xong cái đấy là họ gói bánh. Không phải gói lung tung”. - Bà Y Xinh cho hay.
Bởi vậy, đến mùa ăn lúa thừa, gia đình có thiếu đi chăng nữa người ta cũng đi vay đi mượn để làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, thần linh. Món bánh ốc sên vì thế mà càng thêm trang trọng, ý nghĩa và không thể thiếu trong mâm lễ vật ấy.
Theo bà Y Xinh, người Xê đăng gói bánh ốc sên hoàn toàn bằng những nguyên liệu từ rừng. “Nếp của mình gói sẵn rồi, nếu có màu xanh màu đỏ, màu vàng thì có cái lá màu ở trong rừng người ta nhuộm ra thành màu xanh, màu trắng, màu đỏ, màu vàng. Ngày xưa người ta ít nhuộm nếp lắm vì người ta có nếp than”.
Còn dịp ăn lúa mới cuối năm, người Xê đăng lại tổ chức đốt cơm lam. Gạo cho vào ống tre, nứa hay lồ ô rồi nướng trên than củi. Họ cúng tạ tổ tiên và cùng nhau ăn uống vui một mùa lúa mới.
Cúng máng nước
Người Xê đăng sống trên núi cao, dựa vào thiên nhiên là chính nên nguồn nước là yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của họ. Dịp cuối năm họ có một nghi lễ quan trọng đó chính là cúng máng nước.
TS A Tuấn nhận định, cúng máng nước là một trong những nghi lễ cộng đồng của người Xê đăng. “Trước tiên là làm máng nước mới, đó là trong trường hợp máng nước cũ đã hư, hoặc nguồn nước cũ đã không còn được sử dụng, hoặc nó đã cạn kiệt, người ta phải quyết định thay đổi bằng vị trí máng nước mới thì họ sẽ là bắc máng nước. Còn khi họ sửa thì trong hàng năm họ sửa máng nước, cái máng nước cũ vẫn còn sử dụng được, thì người ta sẽ dựa vào đấy tu sửa lại. Bắc máng nước mới: thường rơi vào hai dịp cuối tháng đầu năm, đầu năm trong trước mùa gieo trồng và trong trung tuần tháng 10. Tổ chức bắc máng nước này có mong muốn là nước luôn đầy đủ cho vạn vật sinh sôi nảy nở, cây trồng tốt tươi”.
Việc sửa soạn hoặc bắc máng nước là công việc của cả cộng đồng. Mỗi người đều có một công việc khác nhau theo sự chỉ đạo của già làng. Trước đây, lễ cúng máng nước của người Xê đăng thường diễn ra trong 3 ngày. Trước tiên, già làng sẽ là người đi tìm nguồn nước. Sau khi đã tìm được nguồn nước cả làng hôm ấy phải dọn dẹp, sửa sang đường nước, chặt ống lồ ô làm máng nước và chuẩn bị các con vật hiến tế. Sau đó già làng sẽ tiến hành lễ cúng.
Khi tiết của con vật hiến tế được hòa vào dòng nước, bà vợ của già làng sẽ múc cho mình ống nước đầu tiên. Sau đó, bà sẽ múc phân phát cho những gia đình khác. Họ lấy những ống nước đấy để đổ vào ché rượu cần, để nấu nướng với tính chất “nấu phép”, những mong đem lại may mắn cho dân làng.
Những quy định nghiêm ngặt ấy cho đến bây giờ người Xê đăng vẫn giữ. Chỉ có điều, nghi lễ bắc máng nước không kéo dài như trước nữa, mà đã được rút gọn, chỉ còn trong một ngày. Nhiều gia đình thay ống lồ ô bằng việc dựng ống nước nhựa. Một số làng không còn nghi lễ này bởi họ đã thay thế nguồn nước tự nhiên bằng việc đào giếng hoặc dùng các thiết bị hiện đại hơn. Nghi lễ bắc máng nước nhiều nơi chỉ còn trong câu chuyện của người già.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận