Đặc sắc cây nêu của người Cơ Tu ở thành phố Đà Nẵng
Thứ tư, 10:15, 29/11/2023 Đỗ Quyên/VOV4 Đỗ Quyên/VOV4
VOV4.VOV.VN - Cây nêu của người Cơ Tu ở Thành phố Đà Nẵng là hai cây tre có ngọn và lá được trồng hai bên cột lễ - cột x’nu, được uốn cong vòng cung và nối với nhau trên đỉnh cột lễ. Thân cây nêu còn được trang trí với các bó lá cọ non rất đẹp mắt.

 

Tại thành phố Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu hiện có khoảng 1.500 người, sống tại 3 thôn: Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và Phú Túc của xã Hòa Phú. 

Người Cơ tu ở Đà Nẵng có tên gọi Cơ tu nal, tức nhóm sống ở vùng thấp. Khu vực sinh sống chính của họ ở xã Hòa Bắc, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Vùng người Cơ tu ở xã Hòa Phú sinh sống ở phía Nam của ngọn núi Bà Nà. Địa vực cư trú của đồng bào là những dải đất hẹp ven các con suối được hình thành từ những dãy núi cao. Nơi cộng đồng sinh sống có nhiều thác ghềnh kỳ ảo tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch. 

Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ tu, cây nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Hình thức sử dụng cây nêu của người Cơ tu rất đa dạng: cây nêu trong bản làng, cây nêu trong gia đình, cây nêu lễ hội, cây nêu trong tang ma. 

Theo quan niệm xa xưa, cây nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là nơi dân làng dựng lên để tế lễ tạ ơn trời đất, là nơi dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất được về với cõi vĩnh hằng, là lãnh địa bất khả xâm phạm quả tà ma và quỉ dữ; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

Trong Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch 2023 diễn ra tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân Cơ Tu đến từ thành phố Đà Nẵng đã đem đến cây nêu độc đáo gắn với sinh hoạt tín ngưỡng. 

Đỗ Quyên/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC