Tỏ tình bằng làn điệu dân ca
Dân ca Mông có nội dung phong phú. Mỗi lời hát chất chứa trong đó bao cảm xúc, tâm tình, ý nhị của người hát gửi gắm đến người nghe.
Anh Đào Văn Sà, người Mông ở Vị Xuyên, Hà Giang cất tiếng hát với giai điệu vui tươi dí dỏm. Tiếng hát bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của chàng trai dành cho cô gái trong ngày đầu gặp gỡ. Đây cũng là câu hát khiến anh nhớ lại tuổi đôi mươi, khi đó anh cùng nam thanh, nữ tú của bản giao duyên trong những cuộc vui.
“Bên nữ hát bên nam đối đáp cũng rất tỏ tình. Những bài hát này lúc trẻ anh cũng rất thích”. – Anh Sà nói.
Giao duyên của người Mông hay ở chỗ, họ không dừng lại ở trò chuyện bằng lối nói thường ngày mà cao hơn là dùng những câu hát có vần, có điệu để đối đáp. Trước là những câu hát làm quen, hỏi tên, hỏi tuổi, quê quán… Sau khi đã thêm hiểu,thêm quý,thêm mến, thì tình cảm chân thành đó được thổ lộ tận đáy lòng.
Ông Lừ Seo Chính người Mông ở huyện Si Mai Cai, Lào Cai cười bảo: “Nhìn nhau như thế này rồi. Hát cả ngày không hết. Cả ngày, cả đêm không hết. Có lúc hát 3 ngày 3 đêm không hết”.
Còn anh Lý Seo Dìn, người Mông Trắng ở bản Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai chia sẻ, có người nhờ hát dân ca mà lấy được vợ. “Người ta say nhau bởi tâm hồn chứ chẳng phải vẻ ngoài”.
Không gian hát đối đáp, giao duyên rất linh hoạt. Có thể đi nương, đến chợ, gặp nhau bên đường hay trong ngày hội… thích thì sẽ hát cùng nhau. Ở những không gian ấy họ có thể tự do đối đáp.
Duy chỉ có trong lễ hội gầu tào - một nghi lễ cầu tự, cầu bình an của người Mông diễn ra trong ngày xuân năm mới, những người tham gia hát sẽ phải thực hiện một số nguyên tắc của buổi lễ.
Ban đầu, người ta sẽ hát về khai hội, ở đó có nhiều bài cổ như hát về chủ tào đã tổ chức sân chơi cho mọi người được vui. Đến ngày thứ hai mới hát đối đáp, giao duyên, hát về bản thân họ. Lúc này, cuộc hát sẽ tự do hơn, không cần tuân thủ một chủ đề nào. Ngày cuối cùng là ngày kết thúc hội, những bài hát sẽ liên quan đến việc ngày hội khép lại. Như hát hạ nêu, hát động viên nhau sản xuất, hẹn năm sau ta lại gặp nhau.
“Tiếng hát làm dâu” - Câu hát tự tình
Theo anh Giàng A Sài, người Mông ở phường Sa Pả, thị xã Sa Pa, Lào Cai, tiếng hát làm dâu là một chủ đề độc đáo trong dân ca Mông. Đó là bản trường ca kể về cuộc đời làm dâu của người phụ nữ Mông trong những ngày xưa, với nhiều nội dung khác nhau, thể hiện diễn biến sự việc và nội tâm của nhân vật.
Trong “Tiếng hát làm dâu” có nội dung đa dạng. Đó có thể là nỗi xót xa của nàng dâu khi về nhà chồng, mà không được nhà chồng yêu thương, trân trọng. Đó có thể là nỗi niềm, sự day dứt của người phụ nữ khi không đến được với người mình yêu.
Đó cũng có thể là sự tiếc nuối khi cô dâu không đến được với người mình yêu. Mà cũng đã từng có rất nhiều câu chuyện đau lòng. Có nghĩa là khi yêu nhau quá không đến được với nhau họ có thể quyên sinh vì người kia. Tiếng hát làm dâu thể hiện người con gái đã đi lấy chồng, người con trai không lấy được, người con trai ăn lá ngón tự tử. Và khi người con gái đến người con gái hát cái câu hát đấy, tiễn biệt cái bạn của mình đi về với tổ tiên. Riêng nội dung tiếng hát làm dâu nó có nhiều lắm”.
Nghệ thuật của ngôn từ
Có thể, khi nghe bạn sẽ thấy giai điệu dân ca Mông na ná nhau, tiết tấu nhanh, chậm khác nhau. Nhưng đó chính là chất liệu để những nghệ nhân dân gian sáng tác ra nhiều nội dung phong phú, phù hợp cho từng hoàn cảnh cụ thể, từng tâm trạng cụ thể.
“Nếu không biết người ta sẽ nghĩ đây là một bài. Nhưng nếu biết thì nó rất nhiều nội dung trong đấy. Trong dân ca nó thể hiện buồn vui đủ thứ hết. Bạn mà hiểu bạn sẽ thấy cái hay và cái buồn và có thể làm bạn khóc chẳng khác gì nhạc hiện đại”. – Anh Sài chia sẻ.
Vẻ đẹp của dân ca Mông còn thể hiện ở chỗ những câu hát đầy ắp những từ ngữ giàu hình ảnh, sử dụng lối ẩn dụ, ví von gần gũi với cuộc sống thường ngày.
“Riêng bài hát của người Mông chuyên so sánh và ẩn dụ. Người ta không nói thẳng đâu, ví dụ chỉ lấy hình ảnh của hai con vịt bơi dưới mạch nước trong mà nói lên tình yêu của hai người với nhau. Những so sánh ấy nó gần với cuộc sống của người Mông”. – Anh Sài dãi bày.
Giá trị nghệ thuật của dân ca Mông nằm ở tính biểu cảm sâu sắc, nằm ở cách sử dụng những biện pháp so sánh, ẩn dụ, ví von đầy hình ảnh… gây ấn tượng mạnh với người nghe.
Nếu một lần ngược núi, vào các bản của người Mông, bắt gặp tiếng hát vẳng nơi đầu núi, rất có thể đó là câu hát của một chàng trai Mông, đang gửi đến bạn tình.
Viết bình luận