Nét văn hóa của người Tà Ôi
Thứ ba, 14:38, 30/05/2023 Đỗ Quyên/VOV4 Đỗ Quyên/VOV4
VOV4.VOV.VN - Là cư dân bản địa sinh sống lâu đời trên dải Trường Sơn, người Tà Ôi hình thành và bảo lưu nhiều nét văn hóa đặc sắc, thể hiện trong tín ngưỡng, trong những phong tục truyền đời và trong cả nếp sinh hoạt thường ngày.

Chòi sim tình yêu

Bên hiên nếp nhà sàn Tà Ôi tại làng văn hóa du lịch các tộc Việt Nam, bà A Viết Thị Tâm đều tay dệt zèng. Chỉ bằng 5 – 6 thanh dệt kết hợp với những hàng chỉ màu xanh, trắng, đỏ… đôi bàn tay bà đã tạo ra tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu.

Tiếng lách cách của thanh dệt hòa quyện trong tiếng khèn bè khoan nhặt mà chồng bà – ông Tân Quang Đôn đang say sưa trong điệu xiêng tình yêu. Ký ức của những ngày đi sim một thời lại ùa về trong tâm trí.

Vừa cười nói rổn rảng ông Đôn tâm sự: “Hồi xưa là mình đi làm hoặc đi sim thì đem cả sáo, đem cả khèn. Mệt mỏi thì thổi sáo, thổi khèn. Thành ra không chỉ riêng cô với bác tỏ tình như thế. Cặp nào cũng thế, nếu ưng nhau là như thế. Hồi xưa nhiều cặp như thế. Đi sim là đi tìm hiểu nhau”.  

Đi sim là một tập tục đẹp mang dấu ấn tình yêu của con trai, con gái người Tà Ôi ở xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau một ngày lên nương làm rẫy, trai gái rủ nhau lên chòi canh, cùng nhau tâm sự, tìm hiểu. Họ trao cho nhau những tâm tình thương nhớ, những điệu nhạc, lời ca.

Âm nhạc chính là sợi dây vô hình kết nối 2 tâm hồn trong mỗi cuộc đi sim. Và nhờ những cuộc đi sim như thế mà con trai, con gái nên đôi. Nơi lưng đồi, trong những chòi canh, điệu xiêng, cha chấp, ka lơi vang lên dặt dìu cùng đàn preh, sáo. Trai gái Tà Ôi mở lòng trong những giai điệu vui, trong những điệu múa duyên dáng.

Bà Tâm bảo, nghe tiếng sáo của người mình yêu mình nhận ra ngay. “Tiếng sáo. Khi thổi to, bắt đầu bên đây thổi, bên kia nghe bắt đầu đi chung. Bắt đầu là yêu nhau, từng cặp từng cặp đó”.

Nét đặc sắc trong tục đi sim của người Tà Ôi là dù trai gái cùng ăn, cùng ở trên căn nhà chòi, nhưng họ vẫn giữ gìn tình yêu trong sáng. Họ cùng đắp chung tấm zèng ấm áp qua đêm nhưng tuyệt đối không vi phạm tục đi sim.

“Đi sim là có nguyên tắc. Mình đi chung để tìm hiểu. Nếu người nào mà thích nhau, lấy nhau là đặt vấn đề chỗ đấy luôn. Ví dụ, bạn có thích mình không, nếu thích thì mình yêu nhau. Khi nào mà mình thích nhau thì về nhà, đi xin bên nhà gái. Ngoài đi sim thì mình cho yêu thì một là cườm, cườm mã não hạt mã não. Con gái đừng có lấy người khác, đừng yêu người khác. Đây là của mình cho rồi. Đặt cọc đấy”. – Ông Đôn nói.

Nết đảm qua việc dệt zèng

Những chàng trai Tà Ôi nếu có tài hát hay, thổi sáo, thổi khèn giỏi lại chăm chỉ sẽ được nhiều cô gái để ý. Và những cô gái biết dệt zèng, siêng năng sẽ nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các chàng trai đi tìm vợ. Dẫu đẹp, dẫu tài nhưng người Tà Ôi vẫn trọng cái nết hơn cả. Bởi có như thế nhà cửa mới ấm êm.

Bà Tâm cho hay, 13 tuổi bà đã được mẹ truyền cho nghề dệt zèng. Lớn dần, bà bắt đầu tự dệt cho mình những tấm vải thổ cẩm để làm váy áo. Đó cũng là điều tự hào của mỗi cô gái Tà Ôi. Bởi, biết dệt zèng, làm thổ cẩm sẽ là cô dâu đảm.

“Vải thổ cẩm là bên từ nhà gái là của hồi môn cho con gái đem về nhà chồng đấy. Mình tặng cho bố mẹ chồng. Mẹ thì tặng cái váy, áo, còn bố là khố, áo. Chồng cũng thế. Đó là bàn tay khéo léo của con dâu đem về nhà chồng. Có người nhiều hơn trăm tấm thì phải chia cho bạn bè nhà chồng mà. Cô gái nào chuẩn bị lấy chồng phải chuẩn bị dệt 3 – 4 năm. Tự mình dệt, vừa bạn bè, nhà gái giúp. Giống như con gái của cô hôm bữa cũng hơn 100 tấm. Tự cô và có bạn bè giúp cho. Kiểu tặng quà cho con gái mình đi lấy chồng”. – Bà Tâm chia sẻ.

Chỉ qua việc đi rừng, lên rẫy mà biết được tính cần cù, chịu khó của chàng trai; qua một tấm zèng mà thấy được nết đảm đang của một cô gái để bố mẹ chọn mối mai sang nhà cưới hỏi. Xưa kia, nhà nào có con gái biết dệt zèng có thể đổi được cả trâu bò.

Chả thế mà ông Tân Quang Đôn nói, ngày trước để cưới được một cô gái về làm vợ, chàng trai Tà Ôi ở xã A Ngo quê ông phải có nhiều sính lễ, của cải. Nếu không sẽ phải sang ở rể, báo hiếu nhà vợ.

Thử thách dành cho dâu thảo

Nhà gái cho con đi làm dâu và được nhận của cải dẫn cưới mà nhà trai mang đến. Nhưng trên hành trình chính thức trở thành dâu hiền, được giao trọng trách quán xuyến mọi việc trong gia đình, cô ấy sẽ phải trải qua rất nhiều thử thách của mẹ chồng.

Thử thách đầu tiên là công việc giã gạo. Mẹ chồng sẽ đặt trong cối một quả trứng gà. Sự chỉn chu, cẩn thận sẽ được bà đánh giá qua việc quan sát của cô con dâu. Bà A Viết Thị Tâm cho biết, cô gái nào giã gạo giã luôn cả trứng là mẹ chồng phải bảo ban ngay.

 Đó là việc nhà. Tiếp theo là lên rẫy. Bằng cách đặt bánh, đặt cơm vào bụi đót, bà có thể “đọc vị” được cô con dâu của mình. Bởi có siêng năng làm cỏ, tỉa đót thì mới phát hiện ra bánh mà ăn. Lười sẽ nhịn đói.

Còn ông Tân Quang Đôn nói, thử rể cũng như thử dâu, xem cái nết đi đứng có ý tứ hay không bố mẹ sẽ đặt ly nước ngay cạnh cửa hoặc cho chải chiếu trên sàn nhà. Qua đó, bố mẹ cũng sẽ hiểu thêm về nết ăn, nết ở của chàng rể, nàng dâu.

Ông nói:“Khi vào mà không nhìn là đá (cười), là không được rồi nhé. Và chải chiếu nữa, chải mà nghênh ngang, không được. Phải thẳng. Thử rể là mình thử ly nước với chải chiếu”.

Việc thử thách suy cho cùng cũng là để chàng rể, nàng dâu hoàn thiện mình, sớm hòa nhập với nếp sống gia đình hai bên nội, ngoại. Và quan trọng hơn là để trưởng thành, biết vun vén cho hạnh phúc, cho cuộc sống lứa đôi và giữ gìn nề nếp.

Dù ngày nay, việc thử dâu, thử rể của người Tà Ôi không còn nữa, nhưng sự rèn giũa, bảo ban con cái giữ gìn nếp sống, bảo lưu những phong tục tốt đẹp vẫn được truyền thừa qua nhiều thế hệ Tà Ôi.

Đỗ Quyên/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC