Ngôi nhà dài của người M'nông và những kiêng kỵ
Thứ ba, 10:52, 06/06/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Người M’nông là cộng đồng nói ngôn ngữ Môn – Khmer. Tại Việt Nam người M’nông sinh sống chủ yếu ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Riêng ở Đắk Nông, dân tộc M’nông có hơn 40.000 người, chiếm khoảng 50% tổng số người M’nông ở nước ta. Là cư dân bản địa, người M’nông nơi đây còn giữ gìn được nhiều nét văn hóa đặc sắc.

 

Ở nhà dài mẫu hệ

Trong xã hội cổ truyền, người M’nông quần tụ trong các bon làng nơi triền đồi bên bờ suối. Mỗi bon thường có vài nóc nhà. Bon lớn tập trung tới vài chục nóc. Đây là nơi có nhiều thế hệ đồng bào M’nông cùng cư ngụ.

Khi dựng nhà người M’nông thường tìm chỗ gần nguồn nước để tiện sinh hoạt.

Người M’nông ở  bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông sinh sống trong ngôi nhà dài mà ở đó, các gia đình có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân với nhau. Đặc biệt quan hệ huyết thống tính theo dòng họ mẹ.

Chủ căn nhà dài thường là người phụ nữ lớn tuổi, mọi công việc đều do bà phân chia, quyết định. Và trong ngôi nhà dài của người M’nông nơi ở, việc sinh hoạt của các thành viên cũng có sự sắp xếp trật tự theo mẫu hệ.

Tùy theo từng vùng, người M’nông ở nhà trệt hoặc nhà sàn thấp. Nếu nhóm M’nông R’lâm sinh sống ở vùng hồ Lắk, thuộc huyện Lắk, Đắk Lắk cư trú trong những ngôi nhà sàn cao theo kiến trúc của người Ê Đê, người M’nông ở bon Pi Nao lại ở nhà trệt dài thưng ván gỗ, mái lợp tranh phủ gần sát đất, 2 cửa ở hai đầu hồi nhà có mái vòm tựa như lối vào hang động. Đó là điều làm nên sự khác biệt của ngôi nhà người M’nông nơi này.

Nhà dài của người M’nông nơi đây lợp lá mây chồng lên lớp cây song thành một mái vòm cong, rộng. Căn nhà ấy đã giúp người M’nông tránh được những cơn gió trong mùa khô quăng quật suốt ngày đêm.

Nhà có nền đất là mặt bằng sinh hoạt chung. Ở giữa là lối đi thông hai cửa ngôi nhà. Hai bên nhà người ta chia thành các sàn riêng biệt, làm nơi ở cho các hộ gia đình nhỏ. Mỗi sàn như thế được dựng cách mặt đất tầm 15 – 20 phân.

Cố kết cộng đồng qua sự sẻ chia cùng ăn, cùng ở

Mỗi căn nhà dài của người M’nông thường có 8 – 10 hộ gia đình sinh sống. Mỗi hộ có một bếp riêng và một kho lúa riêng. Theo phong tục, kho lúa sẽ được đặt cạnh nơi bếp lửa.

Anh K’Tiêng, người M’nông ở bon Pi Nao giải thích: “Người đứng đầu là người già nhất trong cái họ tộc đó, sẽ nằm ngay cạnh kho lúa, vừa để trông coi kho lúa, vừa để sưởi lửa. Người M’nông để thóc cạnh lửa sẽ chống mối mọt, giữ được cả năm làm thức ăn dự trữ”.

Từng hộ gia đình trong nếp nhà dài có một bếp riêng, có một kho lúa riêng. Hoặc cả họ tộc sẽ có một kho lúa to ở cuối dãy nhà dài và họ sẽ dùng chung.

“Chung tức là trong một gia đình trong họ đó. Ví dụ, hộ kia là người ta ăn chung cả hộ bên này. Rau quả này kia là phải chia sẻ cùng nhau ”. – Anh K’Tiêng nói.

Nếu các bếp trong từng hộ gia đình nhỏ dùng để đun nấu thức ăn thì bếp khách lại là không gian sinh hoạt chung của cả các thành viên trong căn nhà dài. Đồng thời, đây là bếp đun nước để tiếp khách.

Nơi đây, những người đàn ông ngồi đan lát, dạy dỗ con cái. Cả gia đình quây quần trò chuyện, hát đối đáp cho nhau nghe. Những ngày lễ trọng, đây cũng là nơi hội tụ gia đình, dòng họ, bon làng.

Người M’nông cùng ăn, cùng ở trong căn nhà dài, cùng tiếp nối truyền thống văn hóa mẫu hệ qua những sinh hoạt thường ngày và trong những lễ hội. Nếp nhà dài cũng là minh chứng cho sự cố kết cộng đồng, tộc họ của người M’nông thêm khăng khít.

Kiêng kỵ dưới nếp nhà dài

Người M’Nông là tộc người cho đến nay còn tồn tại niềm tin và tín ngưỡng đa thần. Họ tin rằng, thần linh trú ngụ khắp nơi như thần sông, thần suối, thần rừng và tại không gian bếp nhỏ trong căn nhà dài cũng có thần linh trú ngụ.

Bếp lửa chính là linh hồn của căn nhà, quy tụ các thành viên với nhau. Họ cho rằng bếp luôn đỏ lửa gia đình luôn hạnh phúc, ấm no. Bếp thường được làm theo hình vuông được đặt ở bên phải hay giữa nhà. Đặc biệt bếp khách – bếp của chủ gia đình luôn ở vị trí giữa căn nhà dài.

Khi dựng xong một căn nhà mới, muốn dọn về ở, thì việc đầu tiên người ta phải tổ chức nghi lễ làm bếp và nhóm lửa, xin phép thần linh vào nhà mới. Khi đó, người uy tín nhất trong làng phải làm lễ cúng, là người nhóm lửa và bếp lửa của căn nhà mới này sẽ được giữ cháy liên tục trong một ngày, một đêm với ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn.

Người M’nông kiêng không được gác chân qua bếp, luôn giữ cho không gian bếp sạch sẽ và tránh uế tạp. Đó cũng là điều khách luôn phải lưu ý khi đặt chân đến ngôi nhà người M’nông ở bon Pi Nao.

Khách vào nhà nếu chưa có sự đồng ý của gia chủ, tuyệt đối không được động chạm vào bất cứ vật gì nếu không nhẹ sẽ bị quở trách, nặng sẽ bị phạt vạ. Tốt nhất bạn nên hỏi chủ nhà trước khi vào thăm.

Khi trong nhà có người sinh đẻ, người ốm đau, thì người M’nông lại càng kiêng cữ kỹ. Anh K’Tiêng cho hay: “Nếu người lạ bước vào trong nhà có người đẻ, người ốm, thường người chủ nhà sẽ phạt người đó. Phạt là một ché rượu cần, hoặc một túi cơm hoặc là một con lợn. Tùy theo người chủ nhà đòi. Người đó vào là sợ hồn người đó đứa trẻ không ưa, không thích, sợ đứa trẻ gặp vấn đề không hay. Kiêng là kiêng ở chỗ đó”.

Dù ngày nay, trong xu thế hội nhập và giao lưu rộng mở, nếp sống của người M’nông có nhiều thay đổi, nhưng những tập tục trong căn nhà dài vẫn được bà con gìn giữ. Văn hóa của người M’nông cứ thế được tiếp nối, truyền thừa qua bao thế hệ cháu con.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC