Ngọt ngào tình thông gia
Con trai, con gái người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai trước nay đều được tự do yêu đương tìm hiểu. Bố mẹ họ đều tôn trọng ý kiến cá nhân của con cái nên khi tìm được người mình thương, muốn tiến tới hôn nhâu, cả hai đều phải báo với bố mẹ để gia đình chuẩn bị các thủ tục cho chuyện cưới xin.
Ông Hoàng Xín Hòa, người Nùng Dín ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương bảo, dù trai gái được quyết định chuyện hôn nhân của mình, được chọn lựa người mình yêu vẫn phải có ông mai, bà mối. Đó là người đại diện cho gia đình nói chuyện, bàn thủ tục hôn nhân.
Cử người đi ướm hỏi là nghi thức đầu tiên trong hôn nhân của người Nùng Dín. Nghi thức này còn được gọi là dạm ngõ. Bố mẹ chàng trai sẽ cử mối mai hoặc ông chú, ông bác có uy tín trong gia đình để sang bên nhà gái hỏi ý kiến xem bố mẹ cô gái có đồng ý cho đôi trẻ thành vợ thành chồng hay không.
Ở bước đầu tiên này, khi nhà trai sang nhà gái bắt buộc phải mang lễ vật kèm theo. Thật giản đơn đó là những miếng đường mật mía ngọt ngào. Miếng đường ấy do chính tay nhà trai cất công lọc tinh, cắt miếng để giành từ đầu vụ mía. Dịp lễ tết, nhà có việc sẽ đem ra dùng. Và đến ngày trọng đại của đứa con trai, họ đem sang làm quà biếu để bày tỏ tấm lòng thơm thảo.
“Đi hỏi thì đầu tiên phải mang gói quà, chủ yếu là về đường. Gọi là cho nó có chất kết dính, cái sự ngọt ngào. Trước đây, không có các loại bánh cao cấp hay là không có các loại đường. Đường kính cũng chẳng có. Hồi xưa ấy. Hồi xưa chỉ có đường mía thôi. Đường mật mía. Khoảng hơn 1 cân – 1,6 cân. Mang độ khoảng 6 miếng – 8 miếng đi. Gói gọn gọn vào trong hộp giấy đỏ. Xong đến xin phép bên bố mẹ con dâu”. – Ông Dín nói.
Miếng đường thơm ngon được gói trong phong giấy đỏ nhưng chứa đựng trong đó là cả một niềm hy vọng chung vui, niềm ước mong hai gia đình gắn kết, đôi trẻ nên duyên. Khi nhà gái đón lễ nhận những tấm đường ấy cũng là câu trả lời đồng ý cho mối lương duyên này.
Món quà quý giá tặng cô dâu
Sau khi việc ướm hỏi đã thành, người đại diện sẽ về báo lại cho gia đình họ hàng bên nội để chuẩn bị các bước tiếp theo. Trong thời gian ấy, nếu nhà gái không đưa ra bất kỳ ý kiến nào về việc hủy bỏ kết thông gia, nhà trai sẽ sang nhà gái để làm lễ công nhận chính thức việc hứa gả này.
Trước khi đám cưới diễn ra, người Nùng Dín có 3 lần đến nhà gái làm thủ tục mối mai. Khi được nhà gái mổ gà, thết đãi rượu thịt, coi như tăng thêm sự gắn bó, thân thiết giữa hai nhà. Tiệc rượu xong xuôi, ra về nhà trai sẽ không quên hẹn ngày sang nói chuyện làm thủ tục ăn hỏi và nhận thách cưới từ nhà gái.
Lễ vật thách cưới gồm một bộ quần áo, trang sức truyền thống dành cho cô dâu. Lợn khoảng 60 – 80 cân cùng 30 – 40 lít rượu để tiếp họ hàng. Thêm đó là những cặp bánh dày mịn dẻo, mục đích chúc đôi trẻ có cuộc sống hạnh phúc, tròn đầy. Bộ trang sức, bộ quần áo truyền thống dành cho cô dâu cũng mang hàm ý từ nay công nhận cô gái là dâu con trong nhà. Khi mất đi, cô con dâu phải mặc bộ trang phục ấy thì về bên kia thế giới tổ tiên mới đón nhận. Đó là lý do bố mẹ chồng tặng bộ váy áo, trang sức khi đón nàng dâu mới.
Cưới được 3 hôm, cô dâu trở về nhà mẹ đẻ
Bộ trang phục không chỉ thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ, là tín hiệu văn hóa đặc trưng của tộc người và nó còn là biểu trưng cho tín ngưỡng phong phú, đa dạng của người Nùng Dín. Từ đó, thấy được quan niệm về cõi sống, cõi chết của họ được phân định rõ ràng. Bởi vậy, đây là lễ vật vô cùng quý giá đối với người Nùng Dín.
Ông Hoàng Xín Hòa, người Nùng Dín ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, Lào Cai cho biết, bộ trang phục quý giá này cũng được nhà trai tặng cho ông bà thông gia để bày tỏ sự cảm ơn chân thành công nuôi nấng người con gái trưởng thành và gả cho con trai nhà mình.
“Bộ quần áo này nhà có việc lễ thật lớn ông bà ấy mới mặc theo bạn thôi. Còn thì ít khi mặc lắm. Mà đến khi chết đi phải mặc cái bộ ấy đi cùng. Bộ đấy là của bố mẹ chú rể tặng mà”. – Ông nhấn mạnh.
Ngoài bộ trang phục truyền thống, với người Nùng Dín ở xã Tung Chung Phố, nhà trai còn phải tặng cho mẹ cô dâu 4 đồng bạc trắng gọi là khoản tiền sữa mẹ nuôi con lớn khôn.
Nếu cô gái còn ông bà thì mỗi người sẽ được tặng thêm một đồng bạc trắng gọi là tiền công bế ẵm của ông bà. Việc tổ chức đám cưới đều do nhà trai lo nên họ còn phải giao nộp tiền cưới từ 5 – 24 đồng bạc trắng cùng rượu thịt.
Có một điều đặc biệt trong phong tục của người Nùng Dín ở xã Nấm Lư là sau cưới, cô dâu sẽ ở nhà bố mẹ chồng 3 ngày. Sau 3 ngày đó, cô sẽ trở về nhà bố mẹ đẻ của mình sinh sống, giúp bố mẹ sản xuất vài tuần đến một tháng. Đến khi nhà chồng có việc, cô sẽ được người em gái của chồng đi đón. Khi ấy, cô mới được chung sống với chồng của mình.
Giờ, người Nùng Dín không còn lệ hai vợ chồng tách ra sinh sống hai bên nội ngoại như trước nữa. 3 ngày trở về nhà ngoại chỉ là hình thức mà thôi. Đôi vợ chồng trẻ cùng nhau chung sống, làm ăn, cùng giúp đỡ hai bên gia đình. Họ có thể sống chung với bố mẹ, đến khi có điều kiện có thể tách ra ở riêng. Hoặc nếu có thể tự lập cuộc sống, họ cũng tách ra ở riêng sau đám cưới.
Viết bình luận