Bài 3: Thách thức trước làn sóng “di cư” của giáo viên về đồng bằng
Thứ năm, 16:10, 09/06/2022 Thu Ha bt- psu ảnh Thu Ha bt- psu ảnh
VOV4.VN - Cùng với cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu thì vài năm trở lại đây, “làn sóng” giáo viên công tác tại miền núi ồ ạt chuyển về đồng bằng, khiến giáo dục miền núi đã khó càng khó khăn hơn.

 

Bữa cơm trưa của vợ chồng thầy Hoan, đang công tác tại một trường tiểu học, huyện miền núi Lang Chánh tỉnh Thanh Hoá được chuẩn bị đơn sơ, vội vàng sau giờ tan trường. Đã mấy chục năm xa gia đình lên đây công tác, không bữa cơm chiều nào thầy không nghĩ về đứa con thơ ở dưới xuôi phải lọ mọ cơm nước một mình

Trước đây chưa có điện thoại, nên vài tháng mới về một lần. Cho nên các con không được gần bố mẹ, thiếu sự quan tâm,  tình cảm dành cho con bị hạn chế. Cũng nhiều lăn tăn suy nghĩ con mình bị thiệt thòi quá, rồi bố mẹ già gần 90 tuổi rồi, không được mình chăm sóc đầy đủ, nên rất lo lắng. Cũng mong muốn được về dạy học gần nhà, nhưng điều kiện nên chưa thể về được.

Mong muốn được chuyển công tác về xuôi. Điều đó là chính đáng với những người như vợ chồng thầy Hoan, ngót nghét 28 cống hiến cho giáo dục miền núi. Nhưng, điều này đồng nghĩa với nỗi lo chung, thiếu giáo viên ở vùng núi.

27 năm công tác ở miền núi, thầy Trịnh Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Pù Nhi huyện Mường Lát chưa bao giờ phải chứng kiếm cảnh thiếu giáo viên trầm trọng, kéo dài như hiện nay. Giáo viên thiếu nhiều quá không xoay được. Trường 12 lớp với tổng số 16 giáo viên, thiếu tới 8 giáo viên. Tình trạng thiếu triền miên nhiều năm rồi. Tôi lên đây 27 năm rồi thì mới may ra được vài năm đủ giáo viên. Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu giáo viên là rất nặng nề. Năm nay còn bố trí được chứ sang năm lớp 7 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa biết bố trí thế nào.

Thiếu giáo viên, các huyện miền núi như Quan Hoá, Mường Lát… gặp khó khăn trong việc bố trí tiết học. Theo ông Lê Đức Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Quan Hoá, chế độ chính sách với giáo viên vùng cao hiện chưa thực sự đãi ngộ, giữ chân giáo viên. Ngành phải tìm cách vận động giáo viên với tinh thần yêu nghề, mến trẻ dạy tăng ca, tăng buổi.Đó là cách duy nhất, nhưng chế độ cho giáo viên tăng ca tăng buổi chưa đáp ứng được, chủ yếu là tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thầy cô cùng nhà trường hoàn thành nhiệm vụ giáo dục.

Thiếu giáo viên là câu chuyện của hầu hết các huyện miền núi 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An. Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với việc áp dụng nhiều môn học bắt buộc ở các cấp học, đòi hỏi đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học-Sở GD-ĐT Nghệ An lo lắng: "với đà này, thật khó để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới". Theo thông tư 32 của Bộ GD từ năm học tới, với các lớp 3-4-5 trở lên, 2 môn ngoại ngữ tin học trở thành môn học bắt buộc. Hiện nay các huyện miền núi lo nhất là thiếu giáo viên, không thể có đ giáo viên đưa đến các điểm trường lẻ để dạy học. Vấn đề khó nhất  là ở chỗ  những người về xuôi lại là những người giỏi, nòng cốt, những người đào tạo lâu năm. Giờ về tuyển người mới không tuyển được người giỏi bù đắp. Số lượng có thể tuyển được, nhưng chất lượng thì không. Huyện tôi công tác lâu năm ở Kỳ Sơn xa nhất, mỗi năm về 20-30 người, đều là những người cốt cán.

Để giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay, 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đã và đang đẩy nhanh việc xoá điểm trường lẻ, dồn học sinh về điểm chính; tăng ca, tăng tiết; điều động, sắp xếp, luân chuyển giữa các cấp học, bậc học, giữa các địa phương với nhau… Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính đối phó.

những trường ở huyện Lang Chánh, Thanh Hoá, vì không đủ giáo viên tiếng Anh, tin học, bố trí đến các điểm lẻ, đành phải huy động phụ huynh tuần 2 buổi, đưa học sinh ra trung tâm học. Có nơi chưa biết bố trí, sắp xếp phương án thế nào, khi bước vào năm học 2022-2023- năm thứ 3 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Rõ ràng, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa tính toán hết thực trạng, cũng như khó khăn, thách thức của giáo dục miền núi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho biết, để giải quyết căn cơ bài toán này thì phải từ khâu đào tạo, cần đào tạo cân đối giữa các vùng miền. Trước mắt,  vẫn phải thực hiện nghĩa vụ điều động, khi tuyển dụng lên miền núi thì phải công tác  một khoảng thời gian nhất định nào đó. Hiện nay vẫn áp dụng phương án điều động đi nghĩa vụ, tức là giáo viên miền xuôi, nếu dôi dư thì phải đi nghĩa vụ 2 năm 3 năm thì sẽ được quay về.

Giải pháp là vậy, nhưng không phải muốn là làm ngay được. Để thu hút được con em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa đi học, đi đào tạo thì các ngành chức năng cần có cơ chế chính sách dài hơi và đồng bộ. Và đúng ra, những giải pháp này phải đi trước môt bước, chứ không phải triển khai đồng thời với chương trình giáo dục phổ thông mới như ở Thanh Hoá, Nghệ An hiện nay.

Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đang đề xuất với tỉnh tăng cường mô hình trường nội trú, bán trú, Với những mô hình này, chế độ của giáo viên mới theo quy định của Nhà nước, sẽ tốt hơn so với các trường phổ thông bình thường.

Giáo dục miền núi đang đứng trước thách thức vô cùng lớn, và ngay những người làm công tác quản lý giáo dục tại các địa phương này cũng lúng túng, chưa biết phải xử lý thế nào khi bước vào năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với những đòi hỏi rất lớn về đội ngũ giáo viên, cơ sở hạ tầng, nhất là trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Vấn đề đặt ra là, không thể đem giáo dục miền núi ra để so sánh, tương quan như giáo dục miền xuôi. Nên chăng, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần có lộ trình thực hiện đối với vùng - miền, sự chuẩn bị về điều kiện cần đi trước một bước. Nếu không tính toán kỹ, rất dễ dẫn đến thực hiện mang tính đối phó, hình thức và thực hiện cho xong.

Cũng xin được nhấn mạnh rằng, việc đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng nếu không nhìn thẳng vào thực tế giáo dục miền núi, mà trông chờ quá nhiều vào sự hy sinh, cống hiến từ đội ngũ người thầy và những bước chân nhọc nhằn của học sinh thì rất khó thành công.

Trong rất nhiều thách thức đang đặt ra với giáo dục miền núi, giải quyết vấn đề thiếu giáo viên là cấp bách, không chỉ số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ người thầy. Cùng với đó là từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học. Khi 2 điểm mấu chốt này được tháo gỡ sẽ tạo tiền đề, cơ sở để giải quyết câu chuyện người học – không còn phải “vượt núi tìm chữ” như những nhọc nhằn vốn đã đeo bám biết bao thế hệ thầy trò vùng cao.

 

Cùng xem một số hình ảnh về Thách thức của giáo dục vùng cao trước làn sóng “di cư” của giáo viên về đồng bằng:

Do đường khó nên cứ trời mưa là các em nghỉ học

Lớp học ở Đun Pù do người dân trong bản đóng góp tre nứa làm cho các em học sinh

Để các em nhỏ vùng cao có được con chữ, cần lắm những tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của những người thầy

Sỹ Đức/VOV1

 

 

Thu Ha bt- psu ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC