KHÔNG GỤC NGÃ
Thứ tư, 14:55, 22/06/2022 Chương trình dự thi ABU (Thu Hà bt) Chương trình dự thi ABU (Thu Hà bt)
VOV4.VN - Một cô bé dân tộc Mông tại tỉnh Cao Bằng đã vượt qua những phong ba bão táp của tuổi thơ để giành lại những điều tốt đẹp nhất. Chỉ trong 3 năm, khi mới lên 7 và lên 10, hai tai họa đến dồn dập, cướp đi cả mẹ, cả cha nhưng em vẫn kiên trì bám trụ, chăm các em, cố gắng học tập để lo cho tương lai. Bằng nghị lực phi thường, với sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, cả 3 chị em đã giành được những giá trị nhất định trong cuộc sống.

 

Trong ký ức, cô bé 7 tuổi Hoàng Thị Mũ không thể nào quên trận lũ kinh hoàng năm 2010 bất ngờ ập đến huyện Bảo lâm, tỉnh Cao Bằng. Cơn lũ tàn phá nhiều tài sản, tính mạng người dân và trận lũ đó đã cuốn trôi mẹ và em trai của Mũ.

Mũ kể lại trong giàn giụa nước mắt: Lúc về cháu bảo mẹ mưa rất to ở lại mai hãy về, xong mẹ không nghe cháu. Lên bè mẹ chỉ nói với cháu một câu là con ngồi ở đây cầm thật chắc thanh sắt. Và mẹ kéo bè sang. Nhưng nước dội về, mẹ bị trôi đi luôn…Lúc đấy cháu không biết làm gì, cháu cũng không dám thả tay ra, cháu chỉ thả một tay ra định bắt lấy mẹ nhưng cháu không nắm được.

Cháu chỉ biết ngồi nhìn mẹ trôi đi, trôi xa dần. Lúc rơi xuống mẹ vẫn chiếu đèn pin về hướng cháu. Mẹ không hề kêu một tiếng nào. Mẹ cứ chiếu đèn pin đến lúc mẹ không chiếu được nữa. Cháu chỉ biết gào khóc mà không biết làm gì cả. Cháu chỉ biết cầm thật chặt thanh sắt...

Cô Lục Thị Toàn, cô giáo của Mũ kể lại:  Hoàn cảnh của em Mũ rất đáng thương. Lúc sang sông mẹ Mũ bị nước lũ cuốn trôi bỏ lại 3 chị em. Mũ thấy vất vả quá phải bỏ học ở nhà, thay mẹ trông em. Bố của Mũ thì suốt ngày say rượu không quan tâm gì đến con. Mũ vừa làm bố, vừa làm mẹ, vừa làm chị.

Còn Mũ chẳng thể nào quên cái đêm đầu tiên không có mẹ: Em quấy khóc suốt đêm không nín. Lúc đó cháu không biết phải làm thế nào để dỗ em nín. Không dỗ được, cháu khóc theo em luôn.

Những ngày đầu không có mẹ, không chỉ lo sữa cho em nhỏ, Mũ cũng dần quen với cảnh chạy ăn từng bữa. Cơm không đủ ăn, chỉ chờ em ăn no mới đến phần chị. May có mợ gần đấy, mợ thương nên lấy gạo cho 3 chị em. Mũ đã biết chắt nước gạo cho em ăn và em mới đỡ khóc.

Ở cái tuổi lên 10, Mũ vừa làm bố, vừa làm mẹ, vừa làm chị.

Mũ vẫn nhớ như in những ngày đầu được các cô vận đồng đến lớp: các cô bảo là đưa cả em đến lớp, các cô sẽ trông em cho. Cháu rất thích đi học. Cháu dắt cả em xuống trường, cô chủ nhiệm trông em giúp. Cháu xuống lớp chỉ việc học, em khóc thì cháu lại bế.

Ở nhà chăm em sẽ không học được con chữ. Bế em lên trường vừa được học và em lại được các cô cho ăn. Suy nghĩ của đứa 7 tuổi chỉ cần vậy...

Cô Hiệu trưởng Vi Thị Mỹ không kìm được nước mắt khi nhớ lại hình ảnh đầu tiên Mũ đến trường: Thực ra khi vận động em Mũ, các cô không hy vọng nhiều, không dám tin tưởng là liệu Mũ có ra học được không. Một hôm, khi cả trường đang họp thì thấy Mũ xuất hiện ở cổng trường. Trên lưng địu em bé, tay thì dắt tay em 3 tuổi ra lớp, cả trường bỗng dưng lặng phắc. Tất cả mọi người đều rơi nước mắt

Hành trang hơn 5km vượt núi, băng rừng tới lớp của Mũ không chỉ có sách vở mà còn nặng trĩu trên vai đứa em trai được chị mang theo. Ba chị em đã được các cô giáo dồn tình thương để vượt qua những tháng năm cơ cực..

Ba chị em đã được các cô giáo dồn tình thương để vượt qua những tháng năm cơ cực.

Cô giáo Lục Thị Toàn, giáo viên chủ nhiệm của Mũ chia sẻ: trường hợp của em Mũ rất vất vả. Tôi cũng chẳng giúp gì được nhiều, buổi sáng đi sớm hơn các bạn đồng nghiệp một chút để bón bột cho em của Mũ, các cô cũng hô hào vận động ai có sữa chưa hết hạn ở nhà thì mang cho em của Mũ dùng. Lúc em của Mũ khóc Mũ lại bế em, đến lúc chép bài thì tôi bế giúp .

Những ngày đầu đến lớp không bao giờ phai mờ trong ký ức của Mũ: Ban đầu đi học lại thì không theo kịp các bạn. Phải chăm em không có thời gian học ở nhà, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các cô giáo và các bạn thì cháu cũng theo kịp các bạn, rồi cháu bắt đầu phấn đấu học tập hơn. Khi học đến lớp 4 thì 2 bạn lớp trưởng học rất giỏi, cháu rất ngưỡng mộ. Buổi sáng lên lớp học xong thì cháu làm bài tập luôn vì về nhà cháu cũng không có thời gian làm bài tập. Làm ở lớp có chỗ nào không hiểu thì cháu có thể hỏi thầy cô. Trong 3 năm đó cháu đã nỗ lực rất nhiều.

Cô Hiệu trưởng Vi Thị Mỹ rất chân tình khi nói về Mũ: Em Mũ đi học đều, gần như là không nghỉ học. Mũ có học lực khá nhưng theo quan điểm của tôi là hiệu trưởng lúc đó, các em học sinh nói chung, em Mũ nói riêng, hoàn cảnh đều rất khó khăn nên tôi cũng không mong các em học giỏi, quan trọng là các em phải học để trở thành những người tốt, những người biết ứng xử tốt trong gia đình hàng xóm.

Mũ hiểu rằng: trước tiên em phải học để trở thành người tốt,

Vừa học, làm việc nhà, vừa chăm sóc 2 em, nhưng Mũ vẫn thường xuyên bị những trận đòn vô cớ của người bố. Đây là một ký ức mà Mũ rất đau lòng mỗi khi nghĩ tới: Cháu luôn thắc mắc là sao hồi nhỏ lúc nào bố cũng đánh mình? Mỗi lần bố say rượu cháu đều bị đánh. Mỗi lần bố đánh, cháu cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ biết cắn răng chịu đựng, cháu vừa khóc vừa cố chạy thật xa để bố không đánh trúng. Đi một lúc rồi cháu lại phải quay về nhà làm việc tiếp, nấu cơm cho các em, cho bố ăn. Mỗi lần quay về cháu chỉ mong bố không ở nhà để không bị đánh.

Và trong ký ức đẹp duy nhất của chị em Mũ là khi bố không say rượu: Lúc không say rượu thì bố vẫn cố gắng đi tìm việc, kiếm củi bán để có tiền mua cho các em gói mì tôm. Có một lần duy nhất đến ngày chợ, bố dắt cả cháu với em trai xuống chợ. Lúc đầu bố bảo là đi ăn phở xong ba bố con mình đi chụp một bức ảnh. Đến quán phở bố bảo đợi bố ở đấy. Cháu đứng đợi, đến khi bố quay lại thì bố cầm một bức ảnh. Bố đã đi chụp ảnh một mình mà không đưa bọn cháu đi cùng. Cháu hỏi là sao bố chụp mà không có bọn con, đưa bọn con đi chụp nữa. Bố bảo là bố hết tiền rồi. Cháu với các em đều rất thích chụp ảnh, đợi bố quay về để đưa đi mà bố lại chụp một mình.

Tròn 3 năm sau khi mẹ mất, người bố, người thân cuối cùng của chị em Mũ cũng đổ bệnh rồi qua đời. Một lần nữa chị em Mũ lại bơ vơ, không có ai làm nơi nương tựa.

Mũ chẳng thế nào quên cái ngày đau thương đó: Cháu học đến lớp 7 thì bố ngã bệnh rồi mất. Lúc đó cháu thực sự không biết phải làm sao. Cháu khóc mà không rơi một giọt nước mắt nào. Cháu cứ thẫn thờ như vậy đến lúc bố ra đồng, cháu cứ ôm các em, ngồi nhìn mọi người đưa bố ra đồng. Bố mất rồi, mỗi ngày cháu lại tiếp tục chăm sóc các em và làm việc nhà.

Đói, các cô giáo có thể lo giúp qua ngày. Bệnh tật ập đến với các em, mình Mũ không biết trông cậy vào ai. Cô hiệu trưởng Vi Thị Mỹ kể lại: Em bé mà Mũ địu trên lưng rất là bé, mà lại bị bỏng. Sáng thứ hai Mũ địu em xuống thông báo cô ơi em bị bỏng, cả hai đêm vừa rồi con không ngủ được, em khóc suốt. Một cô giáo đi lấy cây thuốc về đun để chữa tạm cho em bé, mong em đỡ đau vì hôm sau mới có thể đưa đi bệnh viện được. Thế nhưng rất may là hôm sau cây thuốc đó có tác dụng ngay. Mũ bảo tối hôm qua em ngủ được rồi và kiểm tra chỗ bỏng thì các bọng nước đã phẳng phiu hết và toàn bộ chỗ bỏng đã khô hết, coi như khỏi.

Hết bậc tiểu học rồi Trung học cơ sở, 3 chị em tạm chia tay các cô, cũng là những người mẹ thứ 2 của mình, để xuống tỉnh theo học bậc Trung học. Bình, đứa em út đã vào học lớp 1. Hành trình mới của 3 chị em nơi phố xá cũng vô cùng khó khăn, thách thức.

Mũ nhớ lại: Lúc mới ra thì rất lạ lẫm và sợ hãi vì đưa ra xong thì các cô về luôn. Chắc là do thời tiết, hôm sau 2 em sốt luôn. Mà ở nhà 2 em rất ít khi ốm. Cháu rất sợ. Cháu vừa khóc, vừa xin các cô giúp các em của cháu.

Đến lúc đi học thì cháu lại không theo kịp các bạn. Sau 1,2 tuần đầu tiên thì cháu lại tập trung vào học. Mỗi ngày đều dành 9 đến 10 tiếng để học bài. Ngày nào cũng cố gắng, ngày hôm nay cố gắng hơn hôm qua. Suốt 4 năm cấp 2 được sự giúp đỡ, kèm cặp của các cô ở Trung tâm và các cô ngoài trường, cháu đã đạt được kết quả như mong ước của mình- cháu rất vui.

Mỗi ngày Mũ dành 9 đến 10 tiếng để học bài.

Sự cố gắng của Mũ đã được đền đáp. Sau 3 năm bậc Trung học, Mũ đều trong top 5 của lớp. Cả 3 năm học Mũ đều đạt thành tích học sinh khá, giỏi.

Nhưng chuyện học hành với Mũ hoàn toàn không xuôn xẻ: Có một lần hồi nghỉ Tết năm lớp 10, không tiếp thu được kiến thức nên cháu rất áp lực. Bài tập nhiều, kiến thức cũng nhiều và bài kiểm tra cũng rất nhiều khiến cháu hoang mang, cháu đã nghĩ là nghỉ đi lấy chồng luôn, không học nữa. Nhưng về sau cháu lại nghĩ đến hoàn cảnh của mình, cuộc sống sau này của các em, của cháu, cháu lại tự bỏ suy nghĩ tiêu cực và cố gắng học tập. Hồi đó mỗi năm cháu đều phải rất cố gắng. Đến lớp 12, cháu dự định thi vào Trường Đại học Luật HN nên cháu đã cố gắng rất nhiều từ đầu năm.

Cô hiệu trưởng Vi Thị Mỹ luôn song hành cùng MũTôi cũng có định hướng cho Mũ là, trong thời gian nghỉ hè con thử theo một lớp cấp tốc tiếng Trung để có thể thi lấy được học bổng du học. Và rất mừng là bằng nghị lực và quyết tâm của Mũ thì cũng đã đạt kết quả.

Các cô giáo trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam

Cô Hoàng Thị Sa-người dạy cho Mũ phát những âm đầu môn tiếng Trung luôn tự hào về cô học trò của mình: Tiếng Trung là một ngoại ngữ rất là khó, bản thôi tôi ngày xưa học cũng rất vất vả, nói đã khó, viết càng khó hơn. Hai cô trò đã trao đổi làm sao để có phương pháp học nhanh nhất và tốt nhất cho em, bởi vì thời điểm từ lúc nộp hồ sơ đến lúc trúng tuyển chỉ khoảng 2, 3 tháng. Tôi cũng chỉ mong sao trong tương lai, em Mũ sẽ bay cao, bay xa hơn nữa để thực hiện những ước mơ của mình.

Và Hoàng Thị Mũ đã được Học viện Quảng Tây (Trung Quốc) trao tặng học bổng toàn phần 4 năm học đại học. Sau một thời gian học online do dịch bệnh Covid-19, tháng 9 năm 2022 này, Mũ sẽ sang trường học trực tiếp.

Hoàng Thị Mũ được Học viện Quảng Tây trao tặng học bổng toàn phần 4 năm học đại học

Ngày chia tay các em gần kề mà Mũ cũng không khỏi nghĩ đến các em của mình. Mũ nói với Dũng - cậu em thứ 2: Chị em mình phải sống riêng thì mới tốt hơn. Có gì thì chị em mình ăn nấy để không bị người ngoài coi khinh. Bố mẹ mất, thím lại đi thêm bước nữa. Thím còn có mấy đứa con của thím nữa. Giờ em cũng lớn rồi, việc gì tốt thì em làm, còn cái nào xấu thì em đừng có theo. Mình biết cái xấu mà cứ làm thì người khác lại coi thường mình. Em Bình thì còn bé chưa biết gì. Bây giờ chị ra nước ngoài học, em ở lại phải quan tâm đến Bình đấy.

Lúc nào trong đầu Mũ cũng luôn tự nhủ: không có bố mẹ, không có gia cảnh hiển hách, hoàn hảo, muốn cuộc sống sau này tốt hơn thì bản thân phải tự dựa vào mình, thoát khỏi cuộc sống khốn khổ hiện tại. Mũ luôn nghĩ rằng là nghị lực là ở trong đầu. Cuộc sống không phải là ngồi chờ cho mưa bão qua đi mà phải có cách vượt qua mọi bão táp, lao băng băng về phía mặt trời. Mũ luôn chắc chắn một điều rằng chỉ cần cố gắng hết sức mình thì nhất định Mũ và các em sẽ có cuộc sống tốt hơn bây giờ...

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam(VOV) đã liên hệ để xin cho Dũng- cậu em thứ 2 của Mũ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tháng 9 này, khi học xong, Dũng sẽ xuống Hà Nội xét tuyển về sức khỏe, cân nặng và chiều cao. Nếu đáp ứng được đủ các điều kiện, Dũng sẽ được đào tạo 6 tháng tại Việt Nam, toàn bộ chi phí đào tạo do Công ty đài thọ và sang năm Dũng có thể lên đường để sang Nhật Bản.

Đem câu chuyện này trao đổi với 2 chị em, Mũ nói ngay: Nếu có cơ hội được sang nước ngoài, được trải nghiệm và học tập bên nước ngoài thì rất tốt. Cháu đã nói trước với em là sang bên môi trường mới phải chịu rất nhiều áp lực. Thế thì em có chịu được không?

Còn cậu bé Dũng khẳng định luôn: Khổ, vất vả cháu ngấm nhiều rồi. Cháu muốn quyết tâm hơn nữa để làm việc giúp cho cuộc sống của 3 chị em sau này đỡ khó khăn, cực khổ hơn. Cháu sẽ làm được...

Cuộc đời của cô học trò nghèo Hoàng Thị Mũ đã làm rung động bao trái tim, làm tan chảy tâm hồn nhạc sĩ đồng quê Nguyễn Vĩnh Tiến. Anh đã sáng tác riêng một bài hát cho Mũ. Đây cũng chính là thông điệp gửi đến các bạn trẻ: Không gục ngã trước số phận, hãy đứng dậy, vượt lên để giành lấy những điều tốt đẹp nhất./.

                                            Nhóm phóng viên VOV4

 

Chương trình dự thi ABU (Thu Hà bt)
Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC