Nhọc nhằn vượt núi tìm chữ
Thứ năm, 10:16, 09/06/2022 Thu Ha bt- psu ảnh Thu Ha bt- psu ảnh
VOV4.VN - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục là cơ hội để giáo dục nói chung, giáo dục miền núi nói riêng đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, nếu không nhìn nhận thấu đáo 3 vấn đề lớn của giáo dục miền núi hiện nay là: cơ sở hạ tầng, vật chất; người dạy; người học, rất dễ dẫn đến đổi mới một cách hình thức, áp đặt, bởi cái sự học vùng cao còn quá nhọc nhằn

 

Vượt 15 km với những khúc cua tay áo và con dốc dựng đứng, chúng tôi đến được đỉnh Cao Sơn, ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển.

Không điện, không nước, không sóng điện thoại… Cao Sơn chỉ có gió lạnh, sương mù, và những lớp học chơi vơi bên sườn núi. Em Hà Thị Minh, học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông Cao Sơn thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ:Cao Sơn lạnh quanh năm. Có trường, có lớp, có thầy cô rồi thì chúng em đến trường học chữ, nhưng nhiều hôm sương mùa, trời tối không học được.

Cao Sơn – cái tên gợi sự cheo leo, gian khó; nhọc nhằn cho những bước chân vượt núi tìm chữ. Thương học trò, các thế hệ thầy cô ngày đêm bám bản, bám trường. Các thầy cô cũng đã quen với cuộc sống thiếu thốn, gieo chữ giữa đại ngàn.

Thầy Trần Ngọc Hải chia sẻ, đường đi lại khó khăn, xe bị thủng xăm phải dắt 5km mới tìm được chỗ, trong khi đó sau xe là gạo, mắm, muối đưa theo. Khi lên đến trường tầm 22h đêm mà điện không có. Các em thấy thầy cô lên thì rất mừng, chỉ nghĩ đến đó chúng tôi luôn sẵn sàng chịu đựng thiệt thòi, chấp nhận sống xa vợ con để lên đây giảng dạy

Thầy Hà Văn Thảo tâm sự, mình chỉ thấy thương học sinh thôi, những lúc  giá lạnh mình chỉ mong có quần áo ấm cho các em. Bởi các em học sinh ăn mặc rách rưới, em nào có đôi dép để đi đã là tốt lắm rồi, chăn không đủ ấm, trời mưa đến lớp không học được, ngồi trong lớp phải nhóm bếp học. Gắn bó với các em lâu rồi nên không muốn rời xa bởi ở đây giống như ở nhà.

Nói đến nỗi nhọc nhằn gieo chữ ở vùng cao Thanh Hoá, không thể không nói đến 3 địa danh, gắn với tên bản, tên trường. Ngoài Cao Sơn, còn có Đun Pù (Quan Hoá), Pa Luông (Mường Lát). Tại điểm trường Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá, được sự giúp đỡ của bản, người dân trong bản làm được cái phòng học bằng gianh tre, nứa lá cho cô trò có chỗ học tập

Câu chuyện Trưởng bản Đun Pù - Cao Văn Sơn và cô hiệu trưởng Trần Thị Chinh, vận động người dân đi rừng lấy tranh tre về dựng phòng học cho các cháu, khiến ai nghe cũng ngậm ngùi. Trưởng bản Đun Pù kể: Đây là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hoá, đường xá xa xôi điều kiện kinh tế khó khăn, mình đã bàn bạc, thống nhất kêu gọi bà con nhân dân đóng góp luồng nứa, tranh cọ, tập trung nhân lực để làm phòng học, giúp các cháu có chỗ học, chỗ ở.

Nếu như lớp học ở Cao Sơn quanh năm sương mù bao phủ; Đun Pù dốc đứng cheo leo, thì ở bản Ón (Mường Lát) học sinh là những nhóm trẻ mới lên 3 lên 5, hàng ngày tự cuốc bộ khoảng 10 cây số đến trường và từ trường về nhà.

Sáng ngủ dậy các em đi học mang theo túi cơm, nước, thức ăn. Để đến trường đúng 7h30 phút các em phải đi từ 5 giờ sáng. Các lớp 3 tuổi, nếu tính tháng ra chưa đủ 3 tuổi cũng đi bộ 5-6km để đến trường. Lúc đi về nếu các cô gặp sẽ đưa các cháu đi cùng, nhưng nắng ráo cô mới cho các cháu đi được, những hôm trời mưa, đường trơn cô cũng phải đi bộ.

Dù đã công tác ở miền núi ngót ngét 10 năm, mắt thấy, tai nghe, nhiều chuyện khó khăn trong sự học ở vùng cao, nhưng cô Bùi Thị Thuý vẫn không dám nghĩ đó là sự thật. Còn với ông Giàng A Chừ, nhà ngay dưới con dốc vào trường, ngày nào cũng chứng kiến cảnh từng nhóm trẻ nheo nhóc, lếch thếch đến trường, ông không giấu nổi nỗi xót xa: trẻ mầm non cũng phải đi bộ, một số vừa đi vừa khóc, đi bộ xa nhưng vẫn phải đi, các chị dắt đi. Từ đây vào Ón 1 xa, vất vả lắm. Không đi học không được đi học thì, với những cháu lớn còn đỡ, với những cháu mầm non tội quá.

Sát cột mốc 270 (biên giới Việt – Lào), địa phận huyện biên giới Mường Lát tỉnh Thanh Hoá, một buổi sáng đầu tuần. Giàng A Chừ, học sinh lớp 5, nhưng bé tẹo, dắt theo 2 em nhỏ đến trường. Em bảo, em muốn được đến trường, vì đường xa nên dậy từ 5h, đi bộ mãi 8h mới đến được trường.

Bởi vậy, đón các em đến trường, một công việc thường ngày của thầy Vi Văn Chuân, và giáo viên ở bản Ón, xã Tam Chung. Thầy ngậm ngùi nói, đi bộ từ nhà đến trường 8km, mình còn thấy mệt rồi, huống hồ là các em tuổi đang tuổi ăn, tuổi ngủ, rồi ảnh hưởng đến học hành. Đi đường đã mệt rồi, sức đâu mà nghe giảng được nữa. Mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, dẫn đến ảnh hưởng học tập các cháu. Từ lớp 3 tuổi, anh cõng em, chị cõng em, chỉ những nhà có điều kiện mới được bố mẹ đưa đi, còn không thì đùm cơm, chị em đi với nhau; tự đi bộ, mệt thì nghỉ; 4-5 tuổi thì sàn sàn, vừa đi vừa chơi rồi cũng đến lớp

Đói nghèo đã bó buộc sự học miền biên viễn năm này qua năm khác. Câu nói “nhiều hôm đến được trường rồi, vì mệt, vì đói, các em lăn ra ngủ” khiến các thày cô day dứt, phải trở lại nơi này. Nhưng hiểu rồi lại không tin. Ngay cả cách thầy cô- những người đang ngày đêm bám bản, bám trường cũng không hình dung nổi, sự học nơi miền biên viễn này - ngày mai sẽ thế nào.

Nhiều cháu nhà quá xa mà không được bố mẹ đưa đi nên phải cháu tự đi bộ, vì vậy, cứ trời mưa là các cháu nghỉ học. Do cơ sở vật chất chưa được hoàn thiện, đồ dùng chưa có, nhà trường chưa tổ chức nấu ăn được, các cháu chỉ đến học hết giờ học chính rồi về nhà, đến buổi chiều lại đến học. Các cháu ở xa thì tự mang cơm đi ăn.

Những đứa trẻ miền núi như Lý Thị Dậu, Giàng A Mùa... giờ đây không còn bỏ học theo cha mẹ lên nương. Nhưng con đường đến trường của các em cũng gập ghềnh, gian khó, như chuyện người dân miền biên viễn này làm ra hạt lúa, hạt ngô.

Cùng xem một số hình ảnh về hành trình nhọc nhằn tìm con chữ của trẻ em vùng cao:

Lớp học trên đỉnh Cao Sơn

Những học sinh đi bộ kỷ lục đến trường ở bản Ón

Học sinh trường Tiểu học xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương nghệ An

Bài 2Mô hình bán trú,“bệ phóng” của giáo dục miền núi

Sỹ Đức/VOV1

Thu Ha bt- psu ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC