Xuân về, vùng lũ hồi sinh
Thứ sáu, 07:56, 24/01/2025 Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Những cánh đồng xanh ngút ngàn trên đất lũ; hơi ấm nồng đượm trở lại những bản làng; trong câu chuyện của người dân vùng lũ Yên Bái chất lên những hi vọng tốt lành về tương lai.

 

Lục Yên vào mùa cam chín, những triền đồi vàng rực một màu ấm áp. Đường từ thị trấn huyện lỵ vào làng Át Thượng, xã Minh Xuân khói bếp lan toả bảng lảng mái nhà sàn, mùi nếp xôi vừa chín tới ùa về theo gió, thấy chộn rộn không khí tết. Bên những con đường bê tông sạch đẹp của nông thôn mới, mạ đã bén rễ trên những thửa ruộng quen, trải một màu xanh tít tắp đến tận chân đồi… Trở lại vùng lũ dữ quét qua sau hơn hai tháng, lòng thấy ấm áp và nhẹ nhàng.

Ngồi bóc bánh chưng, chuẩn bị cỗ đón anh em, họ hàng đến chúc tết trong căn nhà sàn mới xây rất khang trang, “người hùng” Hoàng Văn Tiện nở nụ cười rất tươi, không còn hãi hùng như hôm nào kể chuyện cứu bà Hoàng Thị Thắng và hai cháu bé cùng thôn dưới đống bùn đất ngổn ngang sau vụ lở đất.

Anh Tiện kể, sau mưa lũ, nhà anh ở dưới chân quả đồi nứt, nguy cơ sạt lở rất cao nên chính quyền đưa vào khu tái định cư. Cũng như 35 hộ dân khác đến nơi ở mới, anh thấy tiếc nuối nơi ở cũ vốn gắn bó bao năm nhưng đến nơi ở mới an tâm hơn hẳn, không còn lo đất lở hay lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nữa. 

Anh Tiện cũng cho biết, tới đây bà con sẽ trang trí, giữ cảnh quan thật đẹp, tính đến việc làm homestay đón du khách tới thăm. Dân làng sẽ nuôi cá bỗng và gà trống thiến - những đặc sản nổi tiếng khắp vùng mấy trăm năm qua để tiếp đãi khách. Khu tái định cư này chắc chắn sẽ là ngôi làng hạnh phúc… Trong ánh mắt của người đàn ông trung niên, ánh lên những hi vọng, và tin chắc anh sẽ thành công; bởi ý nghĩ ấy, dự định ấy nhận được sự đồng tình rất cao của bà con trong làng.

"Cảm xúc của mình là nhìn thấy gia đình mình và các hộ trong khu tái định cư này thấy ấm cúng hơn, không phải lo lắng, có chỗ ăn chỗ ở khang trang sạch đẹp. Những ngôi nhà như này thì nếu mà là người thu nhập thấp thì không bao giờ mơ được, thế mà giờ đây các hộ có được những ngôi nhà sạch đẹp thì đó là sự phấn đấu, nỗ lực của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương", anh Tiện chia sẻ.

Quây quần bên mâm cơm ngày tết với bánh chưng gù và các món ăn đặc biệt của đồng bào Tày, anh Hoàng Văn Doanh cho biết, cũng như đồng bào các dân tộc khác, việc thờ cúng được coi là điều rất thiêng liêng nên bà con rất ấm lòng khi được chính quyền và lực lượng quân đội xây dựng căn nhà mới, để lấy nơi thờ cúng cho người thân đã khuất. Điều lo lắng nhất nhất sau lũ đã thực hiện được, năm mới đến cũng thấy an lòng hơn rất nhiều.

"Tôi không viết nói gì hơn, rất là cảm ơn Đảng, Nhà nước, các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho bà con có căn nhà, có khu tái định cư, tạo điều kiện để giúp đỡ bà con ổn định lại cuộc sống", anh Doanh nói.

Thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên là nơi xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng do mưa lũ từ hoàn lưu bão số 3. Để đảm bảo cuộc sống cho bà con, sau thiên tai, chính quyền các cấp đã có phương án xây dựng khu tái định cư Át Thượng, cách thôn cũ khoảng 500m. Trong giai đoạn 1, Quân khu 2 hỗ trợ tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng nhà tái định cư cho 35 hộ dân, khởi công vào ngày 18/11/2024 trên một quả đồi với diện tích hơn 2,3ha. Nhà được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày ở địa phương, mỗi căn có tổng diện tích sử dụng 130m2.

Về vui tết với bà con Át Thượng, ông Phạm Văn Hải, cán bộ Tổng Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) - Chỉ huy trưởng công trường nhớ lại, ngay khi nhận nhiệm vụ của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương giao phó, Quân khu 2 và Tổng Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) đã khẩn trương phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn vị trí xây dựng khu tái định cư cho người dân thôn Át Thượng. Suốt hai tháng, Tổng công ty 789 đã huy động mỗi ngày trên 50 cán bộ, chiến sỹ cùng khoảng 200 người lao động thi công liên tục 3 ca, để hoàn thiện nhà cho người dân đón Tết.

Song song với việc hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, khôi phục đời sống, công tác chăm lo tết cho người dân vùng thiên tai cũng được chính quyền các địa phương quan tâm đặc biệt. Bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Huyện thực hiện đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng, đảm bảo đúng đội tượng, công khai, minh bạch, kịp thời. Thứ hai là Mặt trận tổ quốc huyện làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với đó là làm tốt các công tác xã hội hóa đến các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân để cùng chung tay chuẩn bị Tết cho các hộ gia đình, trong đó có những hộ bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3."

Bão số 3 đã làm sập đổ, hư hỏng hơn 27.300 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cùng với đó, hàng nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Để hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, tỉnh Yên Bái đã cũng huy động, lồng ghép các nguồn lực để khắc phục; đến nay đã phân bổ cho các địa phương trên 300 tỉ đồng; tập trung nhân lực hoàn thành khoảng 1.300 ngôi nhà… Tất cả các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở đều có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, sau 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, cuộc sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường.

"Những khó khăn, thách thức đi qua đã chứng minh được một điều: Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nêu cao được tinh thần đoàn kết, sự nhất trí, sự đồng lòng để thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn năm 2024 khó khăn đã đi qua rồi, bước sang năm 2025 sẽ là những thành công, may mắn, tránh được những thiên tai để tỉnh tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, bà con gặp được nhiều may mắn, thuận lợi trong mùa màng....", ông Anh nói.

Người dân Yên Bái sống dựa vào đồng ruộng và đồi núi, ở nơi được coi là "rốn mưa" Tây Bắc, người dân quen với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nên có kinh nghiệm ứng phó, đứng dậy sau thiên tai. Trên đồng ruộng, lúa ngô, rau màu đã xanh lại chỉ sau hơn 3 tháng cần cù, chịu thương chịu khó. Trên những triền đồi nứt, tưởng không dám ở, bà con san gạt, cải tạo, trồng cây, trồng hoa, vừa làm đẹp vừa đảm bảo an toàn để trở về nhà vun vén, thu xếp đón tết. Ở tỉnh khơi nguồn của “chỉ số hạnh phúc” này, đồng bào vùng cao miền núi đang dựng xây lại cuộc sống từ những điều giản dị và thực tế nhất./

 

Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC