Ông Trượng, người cán bộ của lòng dân
Thứ hai, 00:00, 30/11/2020 Việt Phú BT CT + 1 ảnh Việt Phú BT CT + 1 ảnh
VOV4.VN - Trải qua 40 năm công tác trên nhiều cương vị khác nhau, ông Trượng Ngọc Anh, hơn 60 tuổi, người dân tộc Chăm, ở khu phố 7 (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đến lúc nghỉ hưu, ông tiếp tục cống hiến trí tuệ và công sức vào sự phát triển chung của quê hương.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Trượng Ngọc Anh chính là hình ảnh người cán bộ hưu trí hăng hái cùng với bà con địa phương phát quang, vệ sinh môi trường dọc tuyến đường ở khu phố 7. Ông không nề hà những công việc nặng mà xắn tay áo cùng làm. Chính những điều đơn giản, gần gũi ấy đã giúp ông Ngọc Anh chiếm trọn sự yêu mến, tin tưởng từ người dân và được bầu chọn là người uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm. Được biết, trước lúc nghỉ hưu, ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Ninh Phước, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh...Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết nên dù nghỉ hưu ông Ngọc Anh vẫn luôn là “hạt nhân” tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của các cấp, ngành phát động, đồng thời vận động nhân dân cùng tham gia, hưởng ứng, qua đó xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân tộc trong khu dân cư.

Trong đó, phải kể đến việc ông tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các phong trào về “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; giúp nhau phát triển kinh tế; giữ gìn an ninh trật tự và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm.

Ông Trượng Ngọc Anh luôn được dân tín, dân tin.

Không chỉ có tinh thần đam mê và tâm huyết với các phong trào, ông Ngọc Anh còn có “duyên” với nghề hòa giải tại địa phương. Khi mới về hưu, ông nhận thấy tại địa phương có nhiều đơn thư về những vụ việc liên quan đến mâu thuẫn của các cặp vợ chồng, gia đình, khu dân cư, tranh chấp tài sản, đất đai. Qua đi sâu, đi sát tình hình, ông nhận thấy những vụ việc này đều xuất phát từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống, có thể giải quyết tận gốc ở cơ sở nên ông đã tham gia cùng với tổ hòa giải khu phố.

Bằng sự chia sẻ thấu tình đạt lý, ông đã hóa giải những khúc mắc, mâu thuẫn, qua đó không để phát sinh các vụ việc phức tạp và giảm gánh nặng cho chính quyền địa phương. Chỉ tính trong năm nay, ông đã đứng ra giải quyết thành công 4 vụ mâu thuẫn của các cặp vợ chồng và tranh chấp đất đai.

Bên cạnh đó, ông còn tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng và các hoạt động của chi bộ khu phố. Với tính cách nói thẳng, nói thật và luôn đặt lợi ích tập thể, vì cái chung lên trên hết, nên ở các cuộc họp, hội thảo, ông Ngọc Anh luôn có những ý kiến, góp ý tâm huyết, thể hiện được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, nhân dân gửi gắm, được cán bộ, đảng viên, địa phương nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu, từ đó giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề được nhân dân quan tâm, chú ý.

Nói về kinh nghiệm vận động, tập hợp quần chúng tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương, ông Ngọc Anh chia sẻ: Trước hết khi vận động bất cứ ai, đối tượng nào, mình phải tôn trọng bà con, không nóng nảy, áp đặt, sau đó dựa pháp luật, tập quán, lối sống mà phân tích cho bà con nghe, hiểu và làm theo, đồng thời chính bản thân mình cũng phải là tấm gương sáng cho con cháu, gia đình làm theo.

Với tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự am hiểu phong tục, tập quán nên nhiều việc khó tại địa phương đều được ông Ngọc Anh đảm nhận và xử lý khéo léo, góp phần hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chính vì điều này, mà bất kỳ phong trào, cuộc vận động nào được ông Ngọc Anh nhận thực hiện đều thu hút đông đảo bà con tham gia.

Đơn cử như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó có tiêu chí về vệ sinh môi trường. Ông Ngọc Anh đã kêu gọi nhân dân địa phương thu gom, xử lý rác thải; tổ chức dọn vệ sinh tuyến đường vào mỗi tuần thông qua duy trì các tuyến đường tự quản; vận động bà con nuôi nhốt gia súc, gia cầm...Qua quá trình triển khai, hiện nay, bà con người Chăm ở thị trấn Phước dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh chung cho khu dân cư, toàn khu phố có 100% hộ có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm; đường làng ngõ xóm xanh – sach – đẹp.

Với nhiều đóng góp tích cực vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Ngọc Anh đã được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ông cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và của tỉnh. Ông Ngọc Anh xứng đáng là tấm gương sáng để cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh học tập và noi theo. Sự kiện lớn Đại hội đại biểu toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần II sắp diễn ra, ông Ngọc Anh tự hào được chọn cử tham dự. Ông dự định sẽ đóng góp tại Đại hội những ý kiến tâm huyết của mình vào thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC