Tà Thía Banh: Bí thư Đảng ủy xã trách nhiệm, gương mẫu
Thứ ba, 00:00, 15/12/2020 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Sống trong cộng đồng dân tộc Raglai, luôn lắng nghe và nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, ông Tà Thía Banh, thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận luôn phát huy vai trò của người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đoàn kết, thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng thời ông cũng là “hạt nhân” tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Raglai.


Phước Hà là xã vùng cao có gần 950 hộ dân sinh sống tại 5 thôn, trong đó dân tộc Raglai chiếm tỷ lệ 94%. Trước đây, cuộc sống của bà con tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông đi lại không thuận thiện, trình độ nhận thức của người dân còn lạc hậu, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất hoa màu. Chính những khó khăn trên đã thôi thúc ông Banh cố gắng học tập, nỗ lực rèn luyện. Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, ông xin công tác tại địa phương với vai trò là Phó Bí thư xã Đoàn. Nhận thấy trong quá trình công tác, ông có tác phong sâu sát trong công việc, miệng nói tay làm, hết lòng vì người dân trong vùng vì vậy ông được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, bầu chọn ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương như: Bí thư xã đoàn, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã.

Ông Tà Thía Banh, người cán bộ luôn gương mẫu và đầy trách nhiệm.

Trên các cương vị được Đảng và nhân dân giao phó, ông luôn xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn. Vì vậy, ông và các đồng nghiệp luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, giải quyết xử lý kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong phạm vi quyền hạn của chính quyền cơ sở, đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Đồng thời, ông tích cực tuyên truyền bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao; giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt trong quá trình công tác, ông Banh đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay ở nhiều lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng; thực hiện chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa...phù hợp với tình hình địa phương, qua đó khắc phục những khó khăn, hạn chế mà địa phương gặp phải, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.

Bên cạnh là cán bộ trách nhiệm với công tác chuyên môn, ông Banh còn có niềm đam mê, tâm huyết trong nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Chính vì từ nhỏ, ông được gia đình quan tâm và dạy cách đánh Mã La, sử dụng đàn Chapi nên mà đã hun đúc cho ông niềm tự hào sâu sắc với văn hóa của dân tộc mình. Đến khi trưởng thành, ông tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm nhiều kiến thức về văn hóa thông qua các già làng, nghệ nhân. Qua quá trình tìm hiểu dày công, ông đã soạn thảo nhiều tài liệu về cách sử dụng, các bài nhạc gõ Mã La, các bài hát sử thi để lưu truyền lại cho thế hệ con cháu.

Ông Tà Thía Banh truyền dạy Mã la cho học sinh trong xã.

Càng yêu quý những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, ông càng trăn trở phải làm thế nào để giữ gìn và phát huy nó trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nghĩ đi đôi với làm, năm 2010, ông vận động các tộc họ tại địa phương lưu giữ các bộ Mã La, không để thất lạc hoặc bán ra thị trường. Đồng thời, ông cùng các nghệ nhân, tộc trưởng đứng ra mở các lớp đánh Mã La trong khu dân cư. Điều đáng ghi nhận là năm 2015, ông phối hợp cùng với trường Phổ Thông Dân tộc Bán Trú THCS Phước Hà nhằm đưa nhạc cụ Mã La vào giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Và cứ thế suốt 5 năm qua, thành thông lệ vào chiều thứ 3 hàng tuần, sau giờ tan học, ông cùng nghệ nhân trong xã luân phiên hướng dẫn học sinh cách đánh Mã La, cách phân biệt các bài nhạc gõ sao cho phù hợp với từng lễ, hội khác nhau. Từ những em học sinh còn bỡ ngỡ cách cầm, cách gõ nhạc cụ dân tộc mình thì nay các em đã luyện thuần thục hơn 15 bài nhạc gõ Mã La và trở thành lực lượng xung kích tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương cũng như Trung ương. Nói không ngoa khi khẳng định  xã Phước Hà là một trong những địa phương sở hữu nhiều bộ Mã La của tỉnh với 35 bộ, có đông đảo bà con biết sử dụng nhạc cụ. Mà những kết quả đạt được này có sự đóng góp không nhỏ của ông Banh. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Thật đáng trân quý  vì ở vùng đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, có được một cán bộ trách nhiệm, nhiệt tình như ông Banh. Ông không chỉ được ví như nhịp cầu nối quan trọng giúp gắn kết ý Đảng, lòng dân mà còn như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt mọi người trong thôn, xóm luôn vững tin đi theo Đảng, Nhà nước; tích cực ủng hộ và góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

VP/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC