Bộ đội biên phòng Lai Châu giúp dân phát triển kinh tế
Thứ sáu, 00:00, 16/03/2018
VOV4.VN - Muốn giúp dân thoát nghèo, trước hết phải giúp họ có sinh kế phù hợp. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên Phòng Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu, đã gần dân, bám dân, giúp bà con thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi khởi động mô hình chăn nuôi dê tập trung, đến nay nhiều hộ nghèo nơi biên giới Mồ Sì San đã thoát khỏi cảnh lo ăn từng bữa.


 

Gia đình chị Phàn Thị Xua từng là một trong những hộ nghèo nhất bản Làng Vây, xã Mồ Sì San. Đông con, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy, quanh năm phải lo ăn từng bữa và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn gạo trợ cấp của nhà nước. Sau khi được Đồn biên phòng Vàng Ma Chải hỗ trợ nuôi dê và hướng dẫncách nuôi, từ đàn dê 5 con ban đầu, đến nay đã tăng lên gần 50 con.

Chị Phàn Thị Xua nói: "Lúc đầu, chị em động viên nhận nuôi, gia đình mình sợ lắm vì chưa nuôi bao giờ. Khi cán bộ biên phòng về bản hướng dẫn cách làm chuồng, chăm sóc, mình thấy có thể làm được nên mình cũng nhận nuôi như mấy nhà khác. Dê giống nó khỏe, sinh sản tốt nên giờ mình có cả đàn dê rồi".

Bộ đội biên phòng gặt lúa cùng người dân

Xã Mồ Sì San có địa hình đồi núi dốc, thảm thực vật phong phú, thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Đồn biên phòng Vàng Ma Chải đã xây dựng mô hình chăn nuôi theo nhóm. Cách làm này đòi hỏi các hộ dân phải tự bảo vệ và có trách nhiệm trông nom, chăm sóc đàn dê như tài sản chung, cùng nhau làm, cùng nhau hưởng.

Thượng tá Bùi Văn Mạnh, Đồn trưởng đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, cho biết: "Bộ đội biên phòng trực tiếp xuống hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại và chăm sóc theo từng đàn. Chúng tôi hướng dẫn khoảng 10 gia đình nghèo và làm tập trung, bước đầu chỉ khoảng 10 đến 15 con".

Mô hình nuôi dê ở xã biên giới Mồ Sì San bước đầu đã mang lại hiệu quả, khi không ít gia đình có thêm sinh kế để xóa đói giảm nghèo. Với 90-100 nghìn đồng/kg như hiện nay, nuôi dê được xác định là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, giúp đồng bào Dao đỏ thoát nghèo.

Theo ông Tẩn Láo Lở, Phó Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San: "Nhờ mô hình nuôi dê của biên phòng nên đàn dê của xã phát triển. Với mô hình 30a của xã nữa, nên hiện nay xã có đàn dê tương đối lớn. Để có thị trường tiêu thụ cho bà con thì chúng tôi đã có phương hướng. Nơi nào mà tiêu thụ tốt thì chúng tôi sẽ giới thiệu cho bà con".

Thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi dê tập trung tại xã biên giới Mồ Sì San in dấu công lao của những người lính Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải. Mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới, bởi các anh xác định, biên cương có ổn định, vững chắc, trước hết mỗi người dân phải thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC