Vụ cam sành năm nay, người trồng cam ở huyện Hàm Yên phấn khởi bởi giá cam bán tại vườn luôn ở mức 5-7 nghìn đồng/kg. Có nhiều gia đình thu về hàng tỷ đồng.
Gia đình anh Ninh Văn Thuyết, người Dao, ở thôn 1,xã Phù Lưu, trước đây là hộ nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào sắn. Từ khi chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi theo hướng hỗ trợ của chương trình 135, đời sống gia đình anh ngày một ổn định. Hiện tại, gia đình anh có gần 1 nghìn gốc cam, vụ này dự kiến thu khoảng 100 tấn, thu được gần nửa tỷ đồng. Anh Thuyết bảo: không ngờ là việc trồng cam lại thuận lợi đến như vậy. Nhờ chương trình 135 mà đường xá, phương tiện đi lại thuận tiện, dễ dàng ngay từ khâu chăm bón đến việc tiêu thụ.
Với gia đình chị Trần Thị Đông, người Cao Lan, ở thôn 3, xã Phù Lưu, từ khi được hỗ trợ vay vốn mua bò sinh sản của chương trình 135, cuộc sống đã dần ổn định. Sắp tới, chị sẽ mở rộng diện tích chăn nuôi và mua thêm giống, dự tính sẽ thu về khoảng 50-60 triệu đồng/năm.
Chị Trần Thị Đông được hưởng vốn vay từ ngân hàng bò. Ảnh: VP
Ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, cho biết, hiệu quả của chương trình 135 là rõ nét, thay đổi rất nhiều từ giao thông, cho tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Hàm Yên thì trong năm 2017, chương trình 135 đã đầu tư gần 15 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và gần 4 tỷ đồng cho phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn này mà nhiều tuyến đường đi lại thông suốt 4 mùa, đẩy mạnh giao thương, giúp bà con phát triển kinh tế.
Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ nguồn hỗ trợ của dự án 135. Ảnh: VP
Nhưng theo ông Nông Quang Sự, Trưởng phòng dân tộc huyện Hàm Yên, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực từ chương trình, song trên thực tế, trong quá trình triển khai còn gặp phải những khó khăn. Do địa phương phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, nên việc vận động triển khai và đóng góp của người dân còn hạn chế. Việc xét duyệt hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn để vay vốn và việc phân bổ vốn còn chậm.
Ông Hoàng Văn Ngọc trưởng thôn 3, xã Phù Lưu cho rằng: hiện nay, khó nhất vẫn là vấn đề vốn vay, khi được xét vay thì việc triển khai còn chậm. Hơn nữa, số vốn không đủ mua vật nuôi hay xây dựng chuồng trại, nên nhiều hộ lại phải đi vay ngoài. Ông Ngọc cho biết, điều mà bà con mong mỏi là được hỗ trợ tối đa để bà con yên tâm hơn trong việc phát triển kinh tế hộ.
Còn ông Đặng Văn Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành huyện Hàm Yên, thì cho rằng, việc triển khai chương trình 135 ở một số hợp phần có sự tham gia của người dân, nhưng để huy động nguồn vốn trong dân thì là câu chuyện khó, bởi người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Bà con chỉ có thể đóng góp ngày công lao động, chứ huy động vốn là cả một bài toán hóc búa, nhất là việc huy động đầu tư các công trình công cộng hay nhà văn hóa ở các thôn.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận