Chuyện dạy học ở nơi chưa được lập làng
Thứ hai, 00:00, 20/11/2017
VOV4.VN - Do chưa được nhập hộ khẩu, chưa thành lập buôn – làng, cơ sở hạ tầng chưa có gì, nên việc chăm lo học hành cho con em của 180 hộ dân tộc thiểu số ở Tiểu khu 249, thuộc xã Ea Lê, huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc, vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Năm 2003, hàng chục hộ dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc di dân vào Tiểu khu 249, thuộc xã Ea Lê, huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc. Sau nhiều năm dựng lều sinh sống tạm bợ, khai hoang sản xuất, cuộc sống của bà con vẫn rất khó khăn, nên việc chăm lo học hành cho con cái lại càng khó khăn hơn.

Khu dân cư ở Tiểu khu 249, xã Ea Lê

Năm học này, 2 cô giáo Trần Thị Nguyệt và Đinh Thị Trà Giang, Trường Mầm non xã Ea Lê, được cử vào Tiểu khu 249 để phụ trách 2 lớp học, với tổng số 45 trẻ, từ 3-6 tuổi. Hàng ngày, các cô phải vượt khoảng 30km đường đèo dốc, khe suối để đến lớp học.

Cô giáo Trần Thị Nguyệt cho biết: “Trời nắng thì còn đỡ, trời mưa thì đi rất lầy lội. Có hôm trời mưa, đi vào thì ướt hết, có hôm đi đường trời mưa, ngã xuống dưới cầu. Học sinh ở đây hạn chế về tiếng Việt; bất đồng ngôn ngữ nên nhiều khi cũng khó khăn".

Lớp học mầm non do 2 cô giáo phụ trách là căn nhà gỗ đơn sơ, do bà Bàn Thị Diêm - đảng viên duy nhất tại Tiểu khu 249, cho mượn từ nhiều năm qua, nay đã xuống cấp. Mới đây, chính quyền địa phương có chủ trương đầu tư xây dựng 2 phòng học ở khu vực này, nhưng vẫn chưa triển khai được, vì đang trông chờ vào việc hiến đất.

Truyền tải điện Đắc Lắc tặng quà học sinh mầm non ở Tiểu khu 249 do cô giáo Nguyệt phụ trách

Tiểu khu 249 là khu vực rừng núi, trước đây giao cho Công ty TNHH MTV Chư M’Lanh quản lý. Do người dân di cư vào sinh sống trái phép, nên chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa giải quyết vấn đề hộ khẩu, chưa thành lập thôn, buôn để quán lý, và cơ sở hạ tầng cũng chưa được đầu tư xây dựng. 

Anh Bàn Văn Sỉnh là người năng nổ, nhiệt tình và có uy tín, tự nguyện giúp UBND xã Ea Lê quản lý tình hình trong khu vực. Theo anh Sỉnh: "Trong này có khoảng 70% là mù chữ. Trước khi chuyển vào đây, ở ngoài kia vùng sâu vùng xa cũng không có trường học. Sống ở trong này cũng chưa có bộ máy hành chính để quản lý như các thôn khác. Mình tuyên truyền cho bà con sống theo pháp luật Nhà nước, không làm sai với quy định".

Từ vài chục hộ ban đầu, đến nay tại Tiểu khu 249 đã có khoảng 180 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu, hầu hết là người Mông và người Dao. Trong khi tổ chức dân cư cấp cơ sở ở đây vẫn chưa được thiết lập, hạ tầng không được đầu tư, thì đời sống người dân ở đây chưa có cơ hội phát triển, và việc học hành của con em sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

 

 

 

 

Quốc Học/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC