Chuyện "gieo chữ" bên sườn núi Pu Si Lung
Thứ sáu, 00:00, 20/11/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Miệt mài bám bản, bám lớp "gieo" từng con chữ cho con em đồng bào La Hủ tại xã biên giới Pa Vệ Sủ, mong muốn của thầy cô cũng mộc mạc, giản dị như cây trên rừng, cá dưới suối là hy vọng thế hệ học sinh của mình lớn lên sẽ làm thay đổi bản làng.

 

Bên sườn núi Pu Si Lung - nóc nhà thứ hai ở Đông Dương, với độ cao gần 3.100 mét so với mực nước biển, các bản làng người La Hủ tại xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu quanh năm bao phủ bởi sương núi khắc nghiệt.

Giờ tập đọc của lớp 2, điểm trường tiểu học Khoang Thèn, xã Pa Vệ Sủ, tiếng đánh vần của học sinh ê a vang vọng núi rừng. Lớp học chưa đầy 10 học sinh, ai cũng chăm chú nhìn lên bảng, với bài giảng về nét đẹp của quê hương, đất nước. 

(Ảnh minh họa)

Nhưng để có được tỷ lệ chuyên cần như hôm nay, các thầy cô giáo đã phải nỗ lực rất nhiều, vì mùa này các cháu thường theo cha mẹ đi nương, đi rừng.

Người dân trên địa bàn đa phần là hộ nghèo, thuộc dân tộc đặc biệt khó khăn, nên hầu hết bà con đều không quan tâm tới việc học chữ của con em mình.

Cô giáo Cao Thị Thanh Hương quê ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây (cũ), cô lên miền biên viễn Pa Vệ Sủ  công tác, mặc cho gia đình, người thân ngăn cản.

Những tưởng chỉ công tác một vài năm rồi xin chuyển vùng, nhưng mỗi lần dự định chuyển, nhìn các em học sinh, sống mũi cô lại thấy cay cay. Quyết định đó cứ trở đi trở lại vài lần và khi lập gia đình, cô đã quyết định ở lại.

Mặc dù ở nơi này,  địa bàn xa xôi, hầu hết học sinh là dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.  Các em thường bỏ đi nương nhiều, nên khó khăn lớn nhất của cô hương cũng như các giáo viên ở đầy là vận động học sinh tới lớp.

(Trèo đèo lội suối để đi vận động các em tới lớp- Ảnh: VOV)

Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ được sáp nhập cách đây 2 năm trên cơ sở của 2 trường tiểu học. Hiện nhà trường có 33 lớp, gần 400 học sinh. Do thiếu thốn cơ sở vật chất, địa bàn rộng, nên hiện nhà trường vẫn duy trì việc dạy và học tại 14 điểm bản.

Ngoài vận động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số, dạy chữ, hàng ngày, các điểm trường phải thực hiện chế độ nuôi ăn bán trú và dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Toàn trường hiện có 64 cán bộ, giáo viên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng dịp này, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam như phát động thi đua điểm 10, tổ chức văn nghệ...

Không có quà, hoa như miền xuôi, nhưng lời ca, tiếng hát của học sinh và sự cổ vũ, động viên của phụ huynh đến xem cũng là niềm động viên lớn để các thầy, cô giáo tiếp tục bám trường, bám lớp.

Còn trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pa Vệ Sủ có gần 300 học sinh, ở 8 lớp học, trong đó có gần 200 học sinh thuộc diện ăn ở bán trú.

Nhờ sự tận tâm, tận lực của mỗi thầy cô trong trong truyền dạy con chữ và kiến thức khác, nên ngoài duy trì được sỹ số, chất lượng giáo dục trong nhà trường cũng không ngừng được nâng lên, có em đã đạt tới danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.  

 

(Ảnh minh họa)

Thầy giáo Phan Thanh Hội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Vệ Sủ cho biết: Ngày Nhà giáo Việt Nam mấy năm gần đây thì cũng đã có học sinh mang hoa rừng đến tặng các thầy cô. Việc này cũng phần nào động viên các thầy, cô giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn này.

Ở nơi heo hút mây núi giữa đại ngàn Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sự nỗ lực của các thầy, cô giáo đang từng ngày được đền đáp khi thế hệ học sinh dân tộc La Hủ lớn lên và có thay đổi nhận thức nhờ kiến thức được trang bị dưới mái trường.

Để rồi đây, chính các em sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng bản làng, quê hương mình ngày thêm giàu mạnh./.

 

                                                                   An Kiên/ VOV Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC