Cô giáo Lào Cai lan tỏa tình yêu Văn học bằng trái tim
Thứ ba, 00:00, 08/12/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng, cô Hạnh dùng chính trái tim của mình để lan tỏa tình yêu Văn học tới bao lớp học trò, giành về nhiều thành tích đáng nể.

 

 

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1996, Nguyễn Thị Hạnh về dạy tại Trường THPT Cam Đường (Lào Cai). Tới năm 2003, khi THPT Chuyên Lào Cai thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường THPT số 1 – thành phố Lào Cai là cô Hạnh về đầu quân cho mái trường Chuyên này đến tận bây giờ.

Chừng ấy năm gắn bó với nghề, cô Hạnh đã lan tỏa tình yêu Văn học tới bao lớp học trò bằng chính con tim nhiệt huyết của mình.

(Cô Hạnh đã lan tỏa tình yêu Văn học bằng chính con tim nhiệt huyết của mình- Ảnh: VOV)

Cô hiểu rằng: không phải học sinh nào cũng hứng thú với môn Văn ngay từ đầu nên giáo viên phải là người truyền cảm hứng. Nhưng muốn làm được như vậy, đầu tiên phải xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trò, yêu trẻ; cộng thêm người giáo viên phải có chuyên môn vững vàng, luôn đổi mới, tiếp cận tri thức mới thì mới chinh phục được chúng.

Bên cạnh đó, tìm hiểu mỗi tác phẩm Văn học sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh sau này, từ vốn ngôn ngữ giàu có để giao tiếp hiệu quả đến cái nhìn tinh tế, tư duy nhận thức sâu sắc mọi vấn đề…

Đặc biệt, Văn học còn hướng học sinh nhạy cảm với yêu thương, từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp, như Maxim Gorki từng nói: Văn học là nhân học”.

Ở Trường THPT Chuyên, nhiệm vụ trọng tâm mà các giáo viên phải hướng tới là bồi dưỡng học sinh giỏi. Ở lĩnh vực này, cô Hạnh rất “có duyên”. Trong tổng cộng hơn 80 giải quốc gia môn ngữ văn khối THPT toàn tỉnh Lào Cai có được từ ngày tái lập 01/10/1991 đến nay, số giải của học sinh do cô Hạnh trực tiếp bồi dưỡng chiếm gần một nửa.

Cô Hạnh cho biết: Văn là bộ môn khó, đòi hỏi tư duy logic, kỹ năng xử lý ngôn ngữ, phát hiện vấn đề chứ không đơn giản là học thuộc lòng như nhiều người nghĩ. Để học giỏi môn Văn phải rèn luyện nghiêm túc, muốn chinh phục các mốc cao như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cả cô và trò đều phải bỏ rất nhiều công sức. Những lúc áp lực quá, tôi cũng vận dụng những điều chắt lọc từ trong Văn để cân bằng lý trí, động viên cô trò tiếp tục cố gắng.

(Để học giỏi môn Văn, cả cô và trò đều phải cố gắng rất nhiều - Ảnh: VOV)

Cô Hạnh là người đề ra sáng kiến đột phá trong bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, trong đó, đề cập việc thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh trong rèn dạy – học tập bộ môn quan trọng này; cách thức mang lại hiệu quả nhất trong công tác bồi dưỡng; đặt vấn đề ươm mầm tài năng phải bắt đầu từ các cấp học dưới chứ không phải lên THPT mới triển khai…

Những năm gần đây, các đội tuyển Văn do cô Hạnh dìu dắt năm nào đi thi cũng đoạt giải, có em 2 năm liền đoạt giải quốc gia, có em học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải.

Cách đây 5 năm, nữ sinh dân tộc Dao Lý Tả Mẩy là học sinh của cô Hạnh. Một lần khi phụ huynh của Mẩy nhận được phản ánh về việc em bị yếu môn tiếng Anh liền lập tức đòi bắt Mẩy về đi cày không cho học nữa.

Lo lắng cho học trò nhỏ có nguy cơ phải thất học, cô Hạnh một mặt khuyên can phụ huynh, một mặt nói với giáo viên tiếng Anh thôi không phàn nàn thêm về lực học ngoại ngữ của em Mẩy nữa mà cố gắng giúp em tiến bộ.

Mặt khác, cô Hạnh đặt mục tiêu phải giúp đỡ bằng được Mẩy để em có giải quốc gia Ngữ Văn mới rộng cửa vào đại học, chứ dựa vào lực học môn Anh của em để thi khối D e rằng khó khả thi.

Cuối cùng, sau bao nỗ lực, thành quả ngọt ngào cũng đến với Mẩy khi em giành giải Ba quốc gia, được tuyển thẳng Đại học Kinh tế Quốc dân. Cô trò vui khôn tả.

Cô Hạnh hiểu rằng, nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao xuống học, do hoàn cảnh khó khăn nên chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn. Như phụ huynh em Lý Tả Mẩy thậm chí không biết tiếng phổ thông, đi họp cho con không ký nổi tên mình.

Những trường hợp như vậy, người giáo viên cần chia sẻ, động viên, tạo cơ hội phát triển và đánh thức khả năng của các em vì vốn dĩ thi đỗ vào trường Chuyên là các em đã có tố chất tốt.

Trong mắt nhiều học trò, cô Hạnh là một giáo viên vừa tâm lý, vừa nghiêm khắc. Đến với cô, học sinh được thỏa sức “mộng mơ”, thoải mái thể hiện quan điểm của mình đối với các vấn đề, còn cô như người cha, người mẹ thứ hai có thể chia sẻ mọi điều, cả trên lớp cũng như ngoài giờ học.

Giàng Thị Chư, học sinh lớp 11 Văn cho biết: Em rất ấn tượng với phương pháp của cô Hạnh, yêu cầu học sinh phải nghiên cứu trước bài từ nhà, khi lên lớp từng bạn sẽ trình bày kiến giải của mình, còn cô sẽ tiếp thu, nhận xét và củng cố vấn đề. Từ đó chúng em nhớ bài, hiểu sâu và rèn luyện tư duy được nhiều hơn, cũng nhờ cô mà em bây giờ hoàn toàn chủ động trong học tập, tự tin vào khả năng của chính mình”

(Trong mắt nhiều học trò, cô Hạnh là một giáo viên vừa tâm lý, vừa nghiêm khắc- Ảnh: VOV)

Chia sẻ về bí quyết giảng dạy của mình, cô Hạnh cho rằng kiến thức bao la nên việc truyền dạy chỉ góp một phần nhỏ, quan trọng hơn là người giáo viên phải cảm hóa, khiến học trò “tâm phục khẩu phục”, từ đó lan tỏa phương pháp, kỹ năng và cảm hứng để tự tôi luyện bản thân.

Trong quan hệ đồng nghiệp cũng vậy, cô Hạnh giúp đỡ nhiều giáo viên trưởng thành, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cũng bằng cách làm như thế.

Trước thực tế cuộc sống, đôi lúc văn học bị xem nhẹ, cô Hạnh cho rằng chúng ta đang ở thời đại 4.0, máy móc có thể thay thế được nhiều khâu, nhưng tình cảm, cảm xúc thì không riêng hiện tại mà ngay cả trong tương lai cũng khó có thể thay thế được.

Vì thế văn học luôn rất cần thiết để hướng con người ta sống thiện, biết san sẻ yêu thương nhiều hơn. Bản thân cô Hạnh cũng chưa bao giờ hối tiếc về nghề giáo mà mình đã chọn, gắn với bộ môn Ngữ Văn.

Nhận xét về cô Hạnh, thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết: “Trình độ chuyên môn vững vàng và đam mê với nghề là những gì bất cứ đồng nghiệp nào cũng cảm nhận được về nhà giáo Nguyễn Thị Hạnh. Những nỗ lực, sáng tạo của cô đối với bộ môn Ngữ Văn đã được thể hiện bằng kết quả, chúng tôi hết sức tự hào.

Hiện tại, môn Ngữ Văn được nhà trường chú trọng ở mức độ cao, áp dụng với tất cả các lớp chứ không riêng lớp chuyên để hướng tới phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh”./.

 

An Kiên/VOV Tây Bắc

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC