Gỡ khó cho dạy học trực tuyến ở vùng cao Bắc Kạn
Thứ ba, 10:33, 11/01/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN – Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chỉ một số trường ở Bắc Kạn có thể tổ chức dạy học trực tuyến, nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng internet chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều học sinh không có máy tính hay điện thoại thông minh.

 

Hơn 1 tuần qua, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) phải dừng học tập trung do địa phương này đã phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng không rõ nguồn lây.

Tuy nhiên, cũng như tất cả các trường khác của huyện vùng cao khó khăn nhất Bắc Kạn này, các em học sinh chỉ có thể ở nhà tự ôn bài, bởi gần nửa số học sinh của trường thuộc diện gia đình khó khăn.

Thầy giáo Phạm Tuấn An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Nguyên nhân chủ yếu do xã ở vùng khó khăn, một số thôn chưa được phủ sóng 3G. Trong tuần đầu tiên nhà trường phải tạm nghỉ, nhưng đang cố gắng tìm giải pháp khắc phục. Nếu không tổ chức học trực tuyến được, nhà trường sẽ tổ chức các tổ giáo viên theo từng nhóm lớp, phân công đến từng thôn bản để hướng dẫn các em ngay tại nhà.

Ảnh minh họa

Hiện chỉ huyện Na Rì và thành phố Bắc Kạn có thể triển khai dạy học trực tuyến, trong khi đó 6/8 huyện, thành phố trong tỉnh phải tạm dừng học tập trung. Trong tuần học đầu tiên, huyện Na Rì có hơn 500 học sinh không thể học online do sống tại vùng chưa có sóng 3G hoặc không có máy tính, chiếm khoảng 10% số học sinh các bậc Tiểu học và THCS toàn huyện.

Ông Trương Xuân Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Na Rì cho biết: Với tình hình dịch như hiện nay không biết khi nào mới dừng, nên tổ chức dạy học trực tuyến là điều tất yếu. Với một số vùng hẻo lánh chưa có mạng hoặc thiết bị, buộc giáo viên phải tổ chức đến giao bài, hướng dẫn tận nhà. Dù vất vả nhưng không còn cách nào khác. Sau khi dịch khống chế, học sinh quay lại trường, chúng tôi sẽ cho ôn tập lại các kiến thức cơ bản rồi mới kiểm tra.

Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tỉnh Bắc Kạn dự kiến cần hơn 17.000 máy tính, điện thoại thông minh hỗ trợ các em học sinh, phần lớn là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, cho đến thời điểm này mới chỉ có một số đơn vị tham gia ủng hộ với số lượng không đáng kể. Nhiều phụ huynh đã tìm mua lại máy tính cũ với giá từ 3-7 triệu đồng, nhưng với đồng bào vùng cao, đây cũng là số tiền không hề nhỏ.

Ảnh minh họa

Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong tình hình dịch hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn đã có văn bản đề nghị các đơn vị viễn thông xem xét hỗ trợ cước 3G, 4G đối với công tác dạy, học của giáo viên, học sinh.

Với các thôn, bản chưa có sóng 3G, yêu cầu các đơn vị viễn thông đẩy nhanh việc nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng với mục tiêu trong năm 2022, học sinh tại 100% thôn bản đều có thể tham gia học trực tuyến.

Ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Kạn cho biết: Các đơn vị viễn thông hiện nay đang tính toán bổ sung thêm các trạm BTS để phủ sóng 3G tại các điểm trắng sóng và các điểm cường độ tín hiệu còn yếu. Đồng thời, các đơn vị viễn thông cũng xem xét điều chuyển các trạm BTS phát sinh cước thấp sang khu vực khác để làm sao tỉ lệ phủ sóng 3G hiệu quả và sớm phủ sóng toàn bộ các địa bàn trong tỉnh, phục vụ tốt nhất việc học tập của các cháu học sinh.

Nhiều trường học tại Bắc Kạn chuyển sang học trực tuyến do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường nên việc sẵn sàng tổ chức dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả cao là yêu cầu cấp thiết đối với ngành Giáo dục đào tạo. Riêng với các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, rất cần sự chung tay, nỗ lực của chính quyền, các ngành và toàn xã hội để chương trình “Sóng và máy tính cho em” được đẩy nhanh và hiệu quả hơn.

 


 

 Công Luận/VOV Đông Bắc

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC