Do ảnh hưởng dịch COVID-19, TP Cần Thơ đã tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến vào ngày 5/9. Hơn 250.000 học sinh, sinh viên, học viên đã tham dự qua ti vi, Zoom...
Sau lễ khai giảng, các em học sinh khối trung học, sinh viên chính thức học tập bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều em do không có điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là những học sinh đang sống trên ghe, nhà bè khu vực chợ nổi Cái Răng nên việc học gặp khó.
Ngồi trên mui ghe, theo Cẩm Ly chiếc điện thọai của em có thể bắt sóng tốt hơn, việc học trực tuyến không bị gián đoạn.
Gia đình chị Đặng Thị Thảo ở khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng sinh sống trên ghe đã hơn 20 năm. Từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vợ chồng chị xuôi về chợ nổi lập nghiệp bằng nghề buôn trái cây và bán thức uống cho khách du lịch.
Hai năm trước, chồng chị Thảo mất. Một mình chị gánh gồng gia đình, nuôi 2 con ăn học. Bé lớn là Bùi Thị Mỹ Nhi, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12 và đậu vào trường Đại học công nghệ kỹ thuật. Bé nhỏ Bùi Thị Cẩm Ly, 12 tuổi, học lớp 7 Trường THCS Lê Bình.
Góc học tập là phòng ngủ giữa chiếc ghe đã được sắp xếp gọn gàng mền gối, nơi em Cẩm Ly đang ngồi soạn sách vở theo từng môn. Em cho biết sáng ngày 5/9, em đã dự khai giảng qua kênh YouTube trên màn hình điện thoại. Sắp tới, em cũng học trực tuyến qua chiếc điện thoại mẹ sắm cho từ năm trước. Nhưng mạng 3G trên sông nhiều lúc chập chờn, em lo lắng việc tiếp thu bài vở bị hạn chế.
"Hiện em sử dụng điện thoại để vào nhóm học, em mong là học trên lớp hơn chứ học trực tuyến cũng hơi khó sử dụng. Trên lớp tập trung nhiều hơn, học trực tuyến đôi khi có mấy bạn bật mic xong nói hoài luôn". - Ly nói.
Đối diện ghe của chị Đặng Thị Thảo là nhà bè vợ chồng anh Huỳnh Hữu Thiện – chị Đặng Thị Sang. Ngôi nhà này bám trụ trên sông cũng gần 30 năm, đã qua nhiều lần sửa chữa. Anh chị có 2 người con, con lớn Huỳnh Hữu Nghĩa học năm 2 ngành Du lịch lữ hành, Trường Cao đẳng Cần Thơ và bé út Huỳnh Hữu Hiệp học lớp 4, Trường Tiểu học Lê Bình.
Em Huỳnh Hữu Hiệp, lớp 4, đang tự học bảng cửu chương
Theo lời em Hiệp, lớp 4 chưa được đi học trực tiếp, nhưng cũng đã làm quen với giáo viên chủ nhiệm và bạn bè qua nhóm trên mạng xã hội. Năm ngoái cũng có thời gian ngắn học trực tuyến nên em không bỡ ngỡ lắm, chỉ có điều vẫn gặp khó khăn về đường truyền mạng.
"Hàng ngày sống ở trên sông nước, em bơi xuồng vào rồi ba mẹ đưa đến trường. Nếu như năm nay học điện thoại thấy khó khăn bởi vì nhiều lúc mạng bị lag, nó chậm lại, em không tiếp thu bài được. Em thích đến trường học hơn, vì vui và tiếp thu bài được nhiều hơn".
Còn em Huỳnh Hữu Nghĩa, con trai lớn của anh Thiện – chị Sang cho hay, ngay từ học kỳ 2 năm nhất đã phải học trực tuyến do dịch bệnh và kéo dài đến hiện tại. Mỗi lần vào lớp online, số lượng sinh viên tham gia học đều không đủ, nhiều lúc cũng gây cảm giác “nhàm chán”.
"Giáo viên nói với trình chiếu lên thôi chứ chưa có giáo trình để học; hoặc là mình hỏi cũng không được nhiều tại vì có thời gian một tiết bao nhiêu phút. Học trực tuyến không có hiệu quả cao bằng học trên lớp".
Không chỉ học sinh tiểu học hay trung học, ngay cả các em sinh viên sống trên ghe, nhà bè cũng thấy khó khăn khi học trực tuyến. Em Bùi Thị Mỹ Nhi, con chị Thảo, tạm thời cũng bước vào năm đầu Đại học bằng hình thức học trực tuyến. Với chiếc điện thoại, Nhi cố gắng làm quen thầy cô, bạn bè và từng môn học qua cái màn hình bé xíu. Chưa kể lúc mưa gió lớn, sóng điện thoại 3G lại chập chờn, bài giảng của giáo viên tiếng có, tiếng không.
Ở chợ nổi, chuyện học hành của trẻ em thường bị gián đoạn vì cuộc sống mưu sinh và nhiều quy định về hộ khẩu, tạm trú. Đa phần trẻ chỉ học đến tiểu học hoặc THCS là nghỉ. Giờ thêm việc học trực tuyến, khiến nhiều gia đình không thể cho con theo học vì thiếu thiết bị kết nối như điện thoại, máy tính.
Ngoài 41 hộ ở trên ghe, nhà bè, hiện vẫn còn mấy chục hộ thương hồ trọ hai bên bờ sông, đang đau đáu nỗi lo tiền bạc để con đến trường vì đã thất nghiệp thời gian dài.
Để khắc phục nhược điểm đường truyền mạng chập chờn, thiếu thiết bị học, năm học mới 2021-2022, ngành giáo dục Cần Thơ đã đã chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy cho các trường, cơ bản đã triển khai đồng bộ đến các đơn vị. Trong đó, những học sinh không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà trường sẽ tập hợp các em học chung hoặc giáo viên giao tài liệu học tập, bài học nhưng phải tuân thủ nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng “Thư viện điện tử”. Thay vì cho mượn sách, các trường sẽ cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng hoặc trợ giúp mua giá rẻ để có thể tham gia lớp học trực tuyến, không để học sinh nào bị “bỏ rơi”, nhất là các em ở khu vực chợ nổi, vùng sâu, vùng xa.
"Việc học online tại các quận huyện cũng đã triển khai đến các trường, trên tinh thần là các trường phải chủ động, vì học trò của mình, mình phải chủ động mới nắm được hoàn cảnh của từng em. Phía Sở Giáo dục cũng cố gắng hỗ trợ cho các em học sinh tất cả mọi mặt, bảo đảm là các em không có ai bị ở lại phía sau. Khi mà đến trường học trực tiếp lại thì chúng tôi cũng có chỉ đạo là tập hợp những học sinh này lại để củng cố, ôn tập, bồi dưỡng thêm các kiến thức trong quá trình học trực tuyến, để các em bắt kịp với các bạn có đầy đủ điều kiện hơn".
Giải pháp giúp học sinh khó khăn học trực tuyến dễ dàng hơn đã được Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đưa ra cụ thể, hy vọng học sinh, sinh viên khó khăn đang sống trên ghe, nhà bè ở chợ nổi Cái Răng nói riêng, toàn địa bàn nói chung sẽ nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Để con chữ trực tuyến đến với các em dễ dàng hơn, không còn “tròng trành” như thời gian qua.
Hồng Phương/CQTT ĐBSCL
Viết bình luận