Lan tỏa tri thức về thôn, buôn
Thứ năm, 00:00, 08/10/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Đến nay, chương trình “Sách hóa nông thôn” ở Đắk Lắk đã được nhân rộng đến tận các buôn làng vùng sâu vùng xa, góp phần lan tỏa tri thức, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh và người dân

 

Chương trình “Sách hóa nông thôn” được lan tỏa đến Đắk Lắk với dự án “Tủ sách lớp học” do các nhóm cựu học sinh thực hiện từ năm 2017.

Tranh thủ giờ ra chơi, em Nguyễn Thị Ngọc, học sinh lớp 5B, trường tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, xã Ea M’droh, huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk lại đến góc lớp, nơi đặt “Tủ sách lớp học”, lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích để đọc.

Tủ sách được treo ngay ngắn, trang trí đẹp mắt bằng nhiều hình cắt dán thủ công. Hơn 70 cuốn sách các loại, từ sách khoa học, truyện tranh, truyện cổ tích, sách khám phá tri thức, được sắp xếp gọn gàng và được các học sinh giữ gìn cẩn thận, sạch sẽ, thay nhau đọc mỗi ngày.

Tủ sách ở mỗi lớp đều được trang trí đẹp mắt và sắp xếp sách cẩn thận - Ảnh: VOV

Cùng với lớp của Ngọc, 11 lớp khác của trường tiểu học Huỳnh Thúc Kháng đã được nhóm cựu học sinh của trường tặng “Tủ sách lớp học” từ đầu năm học này.

Cùng với trường tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, xã vùng sâu Ea Mdroh huyện Cư Mgar còn có trường THCS Ngô Mây đã xây dựng được các tủ sách lớp học từ các nguồn vận động xã hội hóa.

Bên cạnh đó, xã Ea Mdroh cũng đang triển khai mô hình “Lớp học yêu thương”, là nơi thầy cô dạy thêm miễn phí cho học sinh và có đặt một tủ sách trong lớp học để học sinh và cả các phụ huynh cũng có thể đến mượn đọc.

Em H’Yu Na Niê, trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết:  Từ ngày có lớp học yêu thương, em và các bạn có sách để đọc, các em rất thích những đọc sách để nâng cao tri thức.

Giờ giải lao nhiều học sinh tranh thủ tìm đọc những cuốn sách mình yêu thích- Ảnh: VOV

Từ năm 2017 đến nay, dự án “Tủ sách lớp học” tại tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được 120 tủ sách, trao trên 6.000 cuốn sách cho 8 trường tại huyện Cư M’gar với  trên 2.500 học sinh đang được hưởng lợi từ chương trình.

Đây là dự án được hình thành từ ý tưởng tiếp nối chương trình Sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập. Các thành viên tham gia dự án thuộc nhiều ngành nghề, công việc khác nhau, nhưng có chung ý tưởng lan tỏa văn hóa đọc hướng về ngôi trường mình từng học.

Còn theo chị Hồ Thị Sen, giáo viên trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Ea Kuêh, huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk, từ hiệu quả chương trình khi triển khai tại chính ngôi trường mình đang dạy, chị tiếp tục kêu gọi nguồn lực để phát triển tủ sách tại các thôn, buôn trong xã.

Việc đọc sách đối với mỗi học sinh mang rất nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng cho nên các thầy cô trong trường thống nhất để kêu gọi xây dựng tủ sách lớp học.

Đến thời điểm hiện tại các tủ sách đã được xây dựng, trên các tủ sách thì đã có sách và các em đã sử dụng sách vào các thời gian ngoài giờ. Để phát huy giá trị của sách, lan tỏa ý nghĩa cho các đối tượng đọc sách, sắp tới tôi dự định sẽ triển khai thêm dự án Tủ sách về buôn để ở mọi lúc, mọi nơi các em đều có sách để đọc.

Cùng với “tủ sách lớp học”, hiện nay tại Đắk Lắk có một số dự án, chương trình như “Thư viện về buôn”, “Hành trình ánh sáng tri thức – Thư viện lưu động” cũng đang được triển khai hướng tới các buôn làng vùng sâu vùng xa.

Tuy mỗi dự án, chương trình có cách thức triển khai khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu đưa sách đến nơi cần sách. Qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa tri thức trong cộng đồng, giúp học sinh và người dân ở các buôn làng tiếp cận gần hơn với các tri thức từ sách, tạo thêm niềm yêu thích với việc đọc sách.

 

H Xíu/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC