​Lớp xóa mù chữ “3 trong 1” ở biên giới Đắc Nông
Thứ tư, 00:00, 28/02/2018
VOV4.VN - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An (Đắc Nông) mở 2 lớp xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số tại xã biên giới Thuận An, huyện Đắc Mil. Hai lớp học này khá đặc biệt, bởi độ tuổi học viên từ trẻ em đến người già; phải kết hợp cả 3 lực lượng đứng lớp, gồm bộ đội, giáo viên và người hướng dẫn.

 

Tối đến, ở vùng biên giới Thuận An, giáp Campuchia, se lạnh, nhưng không khí của lớp học xóa mù chữ ở bon Sa Pa “nóng” lên bởi sự nhiệt huyết của thầy giáo là bộ đội biên phòng, xưng hô với học viên là “bà con” rất tình cảm. Còn học viên thì rất hăng hái phát biểu vì được cô giáo phụ trách lớp và những người hướng dẫn kèm cặp, chỉ dẫn cụ thể.

Đại úy Lang Văn Năm, Phó chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An là giáo viên lớp xóa mù chữ

Vừa kết thúc bài giảng “cộng trừ trong phạm vi 5” cho lớp học, Đại úy Lang Văn Năm, Phó chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An cho biết, đây là lớp học khá đặc biệt, nên phương pháp giảng dạy cũng khác: “Điều đặc biệt của lớp học này là quy tụ bà con ở những độ tuổi khác nhau, từ các em thiếu nhi đến các anh chị lớn tuổi, thậm chí có cả cụ già. Đây là những người có thể đã biết chữ và tái mù chữ. Yêu cầu đối với giáo viên đứng lớp trước hết là tận tâm, tỉ mỉ. Và tạo không khí cho học viên hứng khởi, vui thích trong quá trình đến lớp”.

Trong khi giáo viên giảng trên bục thì phải có người hướng dẫn học viên dưới lớp

Mùa này, ở xã biên giới Thuận An, bà con rất bận rộn với việc bơm tưới cho cây cà phê, thu hoạch hồ tiêu, nhưng tối đến, học viên vẫn có mặt đông đủ. Có nhiều gia đình, cả vợ chồng, con cái đều đi học.

Vợ chồng anh Y Nhót và chị H’Brú, ở bon Sa Pa, phải gửi con nhỏ cho bà ngoại để đến lớp. Đôi tay chai sần, anh chị nắn nót từng nét chữ, rồi xòe ra đếm từng con số. Anh Y Nhót kể hồi nhỏ có đến trường, nhưng bỏ dở chừng, nay phải học lại. Cả 2 vợ chồng mù chữ, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như nuôi dạy con cái, nên quyết tâm đi học. 

“Mình không biết chữ là không biết thuốc men, phòng trừ sâu bệnh cà phê, hồ tiêu. Học hành thì để biết tính toán cộng-trừ-nhân-chia để đôi lúc mình bán số lượng này nọ. Nuôi con cái thì biết dạy dỗ học hành. Mình học được một tuần rồi, đã biết số, chữ cái và biết cộng-trừ-nhân-chia” - anh Nhót nói.

Cô giáo Trần Thị Mai, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phụ trách 2 lớp học xóa mù chữ, cho biết: hơn 60 học viên ở 2 bon Sa Pa và Bù Đắc nhiều độ tuổi khác nhau, từ 8 tuổi đến trên 50 tuổi. Tất cả học viên đều là người M’Nông. Lớp học được tổ chức mỗi tuần 4 buổi tối, từ 19 giờ đến 21 giờ. Bộ đội Biên phòng đi vận động để bà con đến lớp thường xuyên, hàng đêm cử lực lượng canh gác, đảm bảo an ninh trật tự. Trong khi giáo viên giảng bài trên bục, thì dưới lớp phải có người hỗ trợ, phiên dịch bằng tiếng dân tộc, hướng dẫn để học viên tiếp thu tốt hơn.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An luôn luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp dân phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2017, đồn đã tặng 15 con bò cho hộ nghèo nuôi luân phiên, nhận đỡ đầu nhiều học sinh tới trường.

Theo kế hoạch, 2 lớp xóa mù chữ ở 2 bon Sa Pa và Bù Đắc sẽ kết thúc vào dịp 30/4.

 

 

 

 

Quốc Học/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC