Người thầy miệt mài với con chữ của dân tộc Thái
Thứ hai, 00:00, 19/11/2018 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Thầy Sầm Văn Bình ở Nghệ an là người có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn cho ra đời nhiều tập tài liệu, giáo trình quý về chữ Thái. Ông còn tham gia giảng dạy ở nhiều lớp học chữ Thái.

 

 

Thầy Sầm Văn Bình tốt nghiệp khoa Cơ khí Đại học hàng hải nhưng không thể xin được việc làm đúng ngành học, nên trở về quê hương ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp.

Sau nỗi lo toan "cơm áo gạo tiền" của gia đình,  ông Sầm Văn Bình chợt nhận ra tại các bản làng người Thái ở Nghệ An còn giữ được nhiều cuốn sách cổ bằng chữ dân tộc Thái, nhưng hầu hết không ai có thể giải mã được nội dung những cuốn sách đó do không biết chữ Thái.

Thế hệ hôm nay đại đa số lại càng không biết chữ dân tộc Thái, nên không thể biết được nội dung những cuốn sách cổ ấy nói gì. Bên cạnh đó nhiều phong tục tập quán dân tộc Thái cũng mai một theo thời gian. Những lý do ấy đã thôi thúc ông khao khát, tìm tòi, khám phá chữ viết của người Thái.

Có kiến thức tiếp nhận được từ trường đại học, cùng với tâm huyết, sáng tạo cá nhân, ông Bình đã tìm gặp những người cao tuổi trong và ngoài huyện, sưu tầm, nghiên cứu, khâu nối thông tin, hình thành bộ chữ cái của dân tộc Thái.

Ông trăn trở với việc trong cuộc sống, nhiều dòng họ, gia đình, đã không nắm rõ được phong tục của dân tộc mình, nhất là trong đám cưới, đám tang. Theo ông Bình, việc biết chữ Thái sẽ khám phá một cách khoa học, chính xác những vấn đề liên quan của văn hóa, đó chính là phương tiện để kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Miệt mài suốt 20 năm qua, ông Sầm Văn Bình đã gây dựng được những thành quả mang tính khoa học đáng ghi nhận, đó là “Tài liệu, thiết kế bài học, đứng lớp hướng dẫn, tập huấn về chữ viết dân tộc Thái”.

Ông cũng là Chủ nhiệm Đề tài cấp tỉnh về "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và hướng dẫn học chữ Thái trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An"; xây dựng "Phần mềm số hóa chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm"; Chủ nhiệm Dự án “Mở rộng mô hình tổ chức dạy học chữ Thái Lai-Tay ở huyện Qùy Hợp, Nghệ An”  giai đoạn 2012- 2015...

Ông Sầm Văn Bình còn tham gia các hội thảo quốc gia và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm vì sự phát triển bền vững địa bàn Miền núi; tham gia giảng dạy chữ Thái, tiếng Thái cho cán bộ công chức tại các huyện Qùy Hợp, Qùy Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông ở Nghệ An;

Ông cũng Phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học viết bài nghiên cứu về chữ Thái hệ Lai- Tay trên Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia, Hội thảo Quốc tế.

(Thầy Bình (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các nhà khoa học bên hành lang hội thảo)

)Với những cống hiến trên, ông Sầm Văn Bình đã được Chủ tịch nước trao bằng công nhân “Nghệ nhân ưu tú”, được kết nạp hội viên của các hội Văn học dân gian, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An. 

20 năm nay bỏ công sức, nghiên cứu, bảo tồn và truyền dạy chữ viết của dân tộc Thái, ông Sầm Văn Bình đã và đang góp phần khẳng định nét văn hóa bền vững của dân tộc Thái, làm cho nền văn hóa của dân tộc này không bị đồng hóa. Ông xứng đáng với danh hiệu mà nhân dân các dân tộc miền tây Nghệ An trìu mến gọi ông: Thầy Bình./.

 

Quốc Khánh/VOV1

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC