Vi Thị Tươi, dân tộc Nùng, sinh viên ngành Y Đa khoa, trường Đại học Tây Nguyên luôn chú tâm và tự giác trong học tập. Tươi cho biết chương trình học của ngành Y Đa khoa khá nặng, lại thêm nhiều nội dung thực hành lâm sàng, ngoại khóa, dự án học thuật nên việc bố trí thời gian học hợp lý là điều cần thiết để đảm bảo cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động khác.
Không chỉ học tốt, Tươi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, là thành viên câu lạc bộ Một sức khỏe của Trường Đại học Tây Nguyên, thường xuyên đến các buôn dân tộc thiểu số tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe cho người dân; tham gia chiến dịch mùa hè xanh và tiếp sức mùa thi và đã 6 lần hiến máu tình nguyện. Suốt 8 học kỳ qua, điểm trung bình của Tươi luôn đạt loại xuất sắc, là sinh viên 5 tốt cấp trường.
Vi Thị Tươi tập văn nghệ cho các em nhỏ trong chiến dịch Mùa hè xanh tại huyện M’Drắc
Vi Thị Tươi chia sẻ: "Em nghĩ là chỉ học, không trau dồi kiến thức thì không đủ mà mình còn phải rèn luyện các kỹ năng mềm khác, nhất là tuổi trẻ là tuổi phải cống hiến, phải sống hết mình. Tham gia các chương trình tình nguyện thì em thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, đáng sống hơn và quãng đời sinh viên của mình có nhiều điều đáng nhớ hơn".
Gia đình có tới 9 anh chị em, các anh chị đều học hành dang dở, phải nghỉ học từ sớm nên H'Uyên Niê, dân tộc Ê Đê, sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, trường Cao Đẳng sư phạm Đắc Lắc, càng quyết tâm học thật tốt để trở thành cô giáo.
H'Uyên luôn nỗ lực học tập, xếp loại xuất sắc ở tất cả các môn học, điểm trung bình học kỳ vừa qua đạt 3,86 (trên thang điểm 4). H'Uyên chia sẻ, thấy nhiều em nhỏ trong buôn vì điều kiện gia đình khó khăn mà phải nghỉ học, chỉ muốn hoàn thành chương trình học thật nhanh để trở về buôn làng, dạy học cho các em.
Ngoài thời gian học trên lớp và tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức, mỗi khi về thăm nhà, nhất là dịp hè, Uyên lại tham gia cùng các bạn thanh niên tại địa phương mở lớp ôn tập văn hóa cho các em nhỏ. Đây là cơ hội giúp H Uyên được thực hành những gì mình đã học, cũng là một cách để giúp các em nhỏ trong buôn được đến gần hơn với con chữ.
Còn đối với H'Lem Kpă, dân tộc Ê Đê, sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử, trường Đại học Quy Nhơn, theo đuổi ước mơ đồng nghĩa với sự nỗ lực không ngừng. Gia đình ở huyện MDrắc, bố mẹ làm nông, cả 6 anh chị em đều đang đi học nên H'Lem phải tự túc các khoản sinh hoạt phí khi học xa nhà.
Xác định việc học là quan trọng nhất, H'Lem đã tự phân chia thời gian học hợp lý, tranh thủ thời gian đi làm thêm và tham gia các hoạt động phong trào do trường tổ chức. Nhờ vậy, H'Lem luôn đạt thành tích cao trong học tập, là sinh viên tiêu biểu của khoa Sư phạm Lịch sử trường Đại học Quy Nhơn trong học kỳ vừa qua.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng nhiều sinh viên dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc luôn nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng để rèn luyện kỹ năng cho bản thân và đóng góp sức mình cho buôn làng nơi các em sinh sống.
H'Xíu/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận