Những trường mầm non thức dậy từ nửa đêm
Thứ năm, 00:00, 31/08/2017
VOV4.VN - Ở một số trường mầm non khu vực biên giới tỉnh Gia Lai, giờ làm việc của các thầy cô giáo chính thức bắt đầu từ sau nửa đêm. Các cô giáo luân phiên ca trực, mở cửa đón các cháu bé từ 1-5h sáng. Đó là điểm khác biệt nhưng lại thường thấy ở Trường Mầm non Sao Mai, xã biên giới Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

 

Ở đây, cha mẹ các cháu đều là công nhân cao su, phải thức dậy, bắt tay vào công việc cạo mủ cao su từ trước 3 giờ sáng. Các cháu được cha mẹ đưa đến trường rồi tiếp tục ngủ say trong sự bao bọc của những người mẹ thứ hai, là những cô giáo mầm non.

Để tiện cho cha mẹ các cháu đưa con tới lớp, Trường mầm non Sao Mai thành lập  tới 19 điểm trường ở từng làng, từng thôn có đội sản xuất, và tất cả các cô giáo ở các điểm trường đều bắt đầu ngày làm việc của mình khi những con gà dậy sớm nhất còn chưa cất tiếng gáy.

Bà Hồ Thị Linh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Do đặc thù của đơn vị sản xuất, bố mẹ đi làm sớm thì các cô đến trường đón các con vào trường, để bố mẹ các cháu thực hiện nhiệm sản xuất cho công ty. Nếu không, cha mẹ các cháu lên vườn cây muộn thì không đảm bảo được. Các cô đã quen rồi, thương các con thôi, đang trong giờ ngủ mà bố mẹ phải bế lên cho cô”.

Giờ chơi của các bé trường mầm non Sao Mai, xã biên giới Ia Krêl. Ảnh: baogialai.com.vn

Sau hơn 15 năm thành lập, Trường Mầm non Sao Mai đã trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy ở Đức Cơ. Số lượng học sinh tăng qua từng năm, quy mô nhà trường từng bước được mở rộng, khang trang, hiện đại hơn. Năm học này, trường có hơn 1.000 trẻ đăng ký nhập học.

Ngôi trường này được xây dựng theo phong cách người lính Cụ Hồ, trực thuộc Công ty 75, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng. Trong đợt đi kiểm tra mô hình trường mầm non trên biên giới Tây Nguyên trước năm học mới, Thượng tá Nguyễn Thị Oanh, Phó trưởng ban Phụ nữ quân đội, Tổng cục Chính trị, đánh giá:

“Về cơ sở vật chất, thấy được sự khang trang, sạch đẹp, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, đội sản xuất. Về trẻ thì rất khỏe mạnh, các con nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Thấy được sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên”.

Xây dựng môi trường học tập, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tốt nhất, là mục tiêu hàng đầu của Trường Mầm non Sao Mai, cũng như hệ thống hàng trăm trường mầm non, nhà trẻ khu vực biên giới thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, do Binh đoàn 15 xây dựng.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư Lệnh Binh đoàn, cho biết: “Câu chuyện trồng người ở trên biên giới là để giữ công nhân ở đây. Tất cả khi lên đây là trẻ. Trẻ thì phải xây dựng gia đình, con cái, phải có trường. Các cháu người dân tộc địa phương giờ không muốn ở nhà nữa, được đi trẻ, được ăn ở sạch sẽ, được các cô chăm sóc, có trò chơi rất phong phú. Khi các cháu đi nhà trẻ thì các cháu được học tiếng Kinh, khi vào học tiểu học các cháu không phải học “ngoại ngữ” nữa”.

Đón trẻ từ nửa đêm, chăm trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, các cô giáo mầm mon ở các trường trên tuyến biên giới Gia Lai-Kon Tum thể hiện tình yêu của những mẹ hiền nơi trường học. Tình yêu ấy vừa giúp con trẻ lớn lên trong hạnh phúc, an lành, chăm ngoan học giỏi, vừa giúp bà con yên tâm lao động sản xuất.

 

 

 

Công Bắc/VOV- Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC