Sáng kiến của thầy giáo quân hàm xanh ở vùng khó
Thứ tư, 00:00, 15/11/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 3 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 3 ảnh
VOV4.VN - Từ ngày 11 đến ngày 13-11, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Biên phòng và Tập đoàn Thiên Long tổ chức một chuỗi hoạt động trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Về dự chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm nay, 60 cán bộ chiến sĩ biên phòng là 60 thầy giáo đạt thành tích cao trong dạy học. Họ đã vận dụng nhiều sáng tạo trong hành trình vận động học sinh đến trường, xóa mù chữ ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…


  • GIÁO DỤC VÙNG KHÓ- CẦN VẬN DỤNG NHIỀU CÁCH

Mồ côi bố từ lúc vừa lọt lòng, không có điều kiện đến trường, không biết tiếng phổ thông, hai cậu bé người Mông: Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên, ở xã Tả Gia Khâu, Mường Khương, Lào Cai, sống lặng lẽ, rụt rè. Khi thượng úy Giàng A Trú đến vận động đi học, hai em nhất định không chịu xa mẹ. May mắn cùng họ Giàng với mẹ các em, thượng úy Trú nghĩ ra một cách, nhận mình là cậu ruột, rồi hứa: các con về ở với cậu, đến trường đi học, hàng tuần cậu lại cho về thăm mẹ.

Năm lần bảy lượt thuyết phục, cuối cùng hai đứa trẻ cũng tin anh là cậu ruột của chúng. Từ đó, thượng úy Trú trực tiếp kèm cặp dạy dỗ, chăm sóc anh em Khoa tại đồn. Ở đây, hai em được ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đúng giờ và đi học đều đặn. Và đặc biệt là được yêu thương.

 Sau gần một năm, hai anh em đã biết đọc, biết viết, biết chào hỏi và dần quen với môi trường quân ngũ. Năm học 2016-2017, Khoa và Xuyên đạt học lực khá, hạnh kiểm tốt. Giáo viên đánh giá hai con tiến bộ rõ rệt trong học tập và rèn luyện. Đó là niềm hạnh phúc của thượng úy Giàng A Trú.

Thượng úy Giàng A Trú (cầm micro) giao lưu trong chương trình

Từ đồn biên phòng cửa khẩu Đăk Ruê, xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) - nơi thượng tá Nguyễn Hữu Phúc công tác - có những ngày, trong cái nắng chói chang, anh chứng kiến cảnh một học sinh đạp xe, một em chạy theo vì xe không có yên đằng sau. Hình ảnh đó khiến anh Phúc trăn trở vô cùng. Thương học trò nghèo ham học, rảnh lúc nào, anh lại đi quanh xin hoặc mua xe đạp cũ, rồi về hì hụi sửa chữa, chọn những em học sinh khó khăn nhất để tặng. 4 năm, anh đã tặng được 96 chiếc xe đạp.

Không chỉ thế, thượng tá Phúc còn tham mưu cho chỉ huy đơn vị hỗ trợ mỗi gia đình học trò nghèo 15kg gạo, bản thân các cháu được 500 nghìn đồng mỗi tháng. Từng cán bộ, chiến sĩ được phân công đỡ đầu từng em để yếu môn nào phụ đạo môn đó. Ngoài ra, lớp học xóa mù chữ cho 43 đồng bào dân tộc Dao và Thái di cư theo dự án kinh tế quốc phòng từ Bắc vào Nam cũng được anh duy trì mỗi tối. Và hầu như hôm nào cũng có cách “dụ” bà con đến học đông đủ.

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ: "Có những người họ không nói là không biết chữ đâu, phải nhờ họ viết cái này cái kia mới biết được. E ngại, vì lớn tuổi rồi. Chúng tôi phải mở lớp không hẹn ngày kết thúc, thời gian không ấn định, khi nào cả lớp biết đọc biết viết và hoàn thành phép tính đơn giản thì khi đó mới báo phòng giáo dục vào kiểm tra, chứng nhận lớp xóa mù. Buối đầu còn phải kẹo bánh. Sau đó chúng tôi tổ chức buổi học đó thành buổi đổi công, ví dụ hôm nay tôi học thì ngày mai anh em trong lớp giúp tôi gặt, chia thành các tổ đổi công".

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc bày tỏ nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ GD ĐT

Biên giới Quảng Bình, theo thống kê, đã phổ cập giáo dục tiểu học xong, nhưng do ít tiếp xúc với tri thức, đồng bào tái mù đến 85%. Các cháu nhỏ ban ngày theo bố mẹ lên rẫy, tối đến sách báo không, ti vi không, điện dùng năng lượng mặt trời nhưng trời ẩm nhiều sương mù, máy nào cũng hỏng. Day dứt trước đời sống tinh thần quá thiếu thốn của nhân dân, các chiến sĩ quân hàm xanh lặn lội đến từng nhà vận động.

Đại úy Trịnh Tứ Thắng, chính trị viên phó đồn biên phòng Ròon, nghĩ ra sáng kiến: "Mỗi lần tổ chức tuyên truyền pháp luật, thấy bà con thích hát karaoke. Mà muốn hát được thì phải thuộc mặt chữ, phải biết đọc, vì thế tôi nảy ra sáng kiến xây dựng cho nhân dân phòng đọc sách, sách cho thiếu nhi và cho bà con nghiên cứu các kỹ thuât nuôi trồng, bên cạnh đó là karaoke để bộ đội hát mẫu rồi bà con hát theo. Rồi dạy trực tiếp trên màn hình, cho bấm tạm dừng rồi bà con đánh vần, 2-3 lần như thế bà con sẽ thuộc mặt chữ đó".

Vận động các đơn vị tài trợ được 50 triệu đồng, anh Thắng cùng đồng đội sơn sửa lại nhà văn hóa thôn đang bỏ không, xây dựng hai tủ sách với đầy đủ đầu sách cho cả trẻ em, phụ nữ đến người già. Phòng có loa đài, đầu karaoke, máy phát điện…, bà con vừa tổ chức ca nhạc, vừa kết hợp học chữ, lồng ghép các nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật. Dự kiến nhà văn hóa cộng đồng khánh thành dịp 22-12 sắp tới.

 

  • GIẢI PHÁP PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH

Qua bốn năm triển khai chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, đã có khoảng 9.000 cháu hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, mồ côi..., được bộ đội biên phòng đỡ đầu, trong đó khoảng 180 học sinh người Lào, Campuchia. Riêng năm học vừa qua, gần 3.000 học sinh được bộ đội biên phòng đỡ đầu (trong đó 32 em tốt nghiệp lớp 12, bảy em đã đỗ đại học).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn

Tại buổi gặp gỡ thân mật sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ niềm cảm phục, xúc động trước tấm lòng, sự nỗ lực của những người thầy mang quân hàm xanh. Qua đó, thấy được khát khao con chữ của đồng bào các dân tộc vùng khó. Theo Bộ trưởng, cả nước còn khoảng 50.000 người mù chữ, tập trung nhiều nhất ở các vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận để giải quyết bài toán xóa mù không hề dễ dàng, do khó khăn về cơ sở vật chất cũng như tập quán của người dân. Sự tham gia tích cực của các đồn biên phòng đã hỗ trợ hiệu quả nhiệm vụ "lấp trũng" cho giáo dục vùng khó.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, thời gian tới, giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ đẩy mạnh mô hình thầy giáo quân hàm xanh trên tất cả các địa bàn có bộ đội biên phòng. Ngành sẽ có những đầu tư bài bản hơn nữa như hỗ trợ về chuyên môn, chương trình, sách giáo khoa; đồng thời đề nghị để có chế độ hợp lý cho những thầy giáo mang quân hàm xanh.

Dịp này, bên cạnh quà của Chủ tịch nước, bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi thầy giáo quân hàm xanh được nhận một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và các bộ đồ dùng học tập từ tập đoàn Thiên Long.

Lắng nghe tâm tư của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và các em học sinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, đào tạo và chăm lo thế hệ trẻ. Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị các bộ ban ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm ủng hộ giúp đỡ cho thầy và trò vùng khó khăn, triển khai các hoạt động thiết thực, bằng những việc làm hết sức cụ thể như sáng kiến của BĐBP “Chiến sĩ BP nâng bước em đến trường”.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình + 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC