Tấm lòng của những giáo viên vùng cao
Thứ ba, 14:51, 16/11/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Ở những huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam, mùa nắng thì thiếu nước sinh hoạt, mùa mưa lớn thì đường đi sạt lở, nhưng vẫn có những giáo viên ở miền xuôi chọn nơi đây để lập nghiệp. Họ đã vượt qua khó khăn, cách trở để ở lại với thôn, bản, dạy chữ cho những học sinh nghèo con em đồng bào dân tộc Cơ Tu.

 

Những năm mới đến vùng cao này, cô Nguyễn Thị Xuân Huyên dạy lớp 1, trường tiểu học Sông Kôn, thuộc xã Sông Kôn, huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. 23 học sinh của cô ngồi học với những chiếc bàn là bìa gỗ rừng tận dụng, còn ghế là những cây nứa ghép chung, phên che phòng học làm bằng tranh tre, nứa lá...

Buổi sáng cô Huyên đi dạy, buổi chiều cô phụ đạo thêm cho học sinh, buổi tối đi dạy xóa mù chữ. Còn thứ bảy, chủ nhật rảnh rỗi cô Huyên lại đi rẫy với bà con. Tháng 8 năm 2004, cô Huyên được phân công về dạy tại trường tiểu học Tr’Hy và hiện nay làm Phó Hiệu trưởng của trường THPT bán trú và Tiểu học Tr’Hy.

Đây là xã vùng cao huyện Tây Giang, cách trung tâm huyện khoảng 25 km về phía Tây. Cô Huyên là một trong 3 nữ giáo viên đầu tiên lên vùng cao đặc biệt khó khăn này. Ban đầu, trường Tiểu học Tr’Hy không điện, không nước, không đường sá, trường gỗ xiêu vẹo. Nhưng ở nơi này, tấm lòng của người dân và tình cảm của các em học sinh dành cho giáo viên luôn ấm áp.

Chính vì lẽ đó mà các cô Huyên đã bám trụ với mảnh đất Tây Giang đầy yêu thương này hơn 20 năm. Huyên chia sẻ: Nếu ngồi lại để tự hỏi thì mình không trả lời được. Tình cảm với các trò cứ ăn sâu dần như thế, mình làm việc tất cả vì học sinh thân yêu. Cứ như vậy, mình đi làm hết ngày này qua ngày nọ và say mê với công việc mình đã chọn. Mong muốn rằng, con em đồng bào nơi đây có điều kiện hơn. Bởi vì, khi nhìn vào từng em học sinh, mình thấy trong các em có gì đó thiêu thiếu, không được như con em đồng bằng người Kinh.

Cô Nguyễn Thị Xuân Huyên trong một lần đi bộ vào nhà học sinh

Cũng như cô Nguyễn Thị Xuân Huyên, cô Võ Thị Thương, 28 tuổi, người huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam lên núi và ở lại với con em đồng bào Cơ Tu từ sau khi ra trường. Nơi cô Thương giảng dạy là trường Tiểu học Sông Vàng, xã Ba, huyện Đông Giang. Đây là nơi học tập của gần 80 học sinh đồng bào Cơ Tu từ lớp 1 đến lớp 5.

Bên cạnh rào cản về ngôn ngữ, các em học sinh ở đây còn có tâm lý không muốn đến trường. Nhiều em đi học bữa được bữa mất, hôm thì nghỉ học vào rừng chơi, hôm lại nghỉ để theo cha mẹ vào rẫy. Biết cô đến nhà, học sinh sẽ đi trốn. Vậy là giáo viên phải tìm, rồi đợi phụ huynh về để giao bài mới. Có lần, mưa lớn ngập cầu, cô Thương và các giáo viên khác phải chờ cho nước rút, canh chừng học sinh và chờ phụ huynh đến đón.

Nhưng bù lại những khó khăn ấy là những vòng tay lễ phép, cúi đầu thưa gửi mỗi khi gặp thầy cô. Đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo trẻ Võ Thị Thương vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ:

Cô Thương cho biết: Chắc do tôi yêu mến các em học sinh ở đây vì chúng rất ngoan. Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi vào ngày 20/11 là nhận được tấm thiệp học sinh tự làm và những lời chúc của học sinh, ngây thơ lắm! Nhận được những tấm thiệp hay bông hoa dại của học sinh tặng, tôi rất cảm động.

Các em học sinh người Cơ tu huyện Đông Giang

Với các giáo viên đang dạy học ở vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam việc bám bản, bám làng như một duyên nợ của những người đã chọn sự nghiệp trồng người. Dẫu khó khăn nhưng tình cảm của phụ huynh và học sinh nơi vùng cao biên giới luôn đong đầy.

Chị A Lăng Thị Đan, ở xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có con đang học lớp 3 ở trường tiểu học Sông Vàng bày tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ cho con mình: Mấy cô giáo ở dưới xuôi lên đây, thấy hoàn cảnh ở đây khó khăn nên họ cũng hiểu và giúp đỡ các cháu rất nhiều. Nhiều khi phụ huynh chúng tôi đi làm xa cũng nhờ các cô giáo chăm sóc, quan tâm, lo lắng cho mấy cháu đi học. Một số cháu có gia đình khó khăn, giáo viên nhà trường ở đây cũng vận động, giúp đỡ. Phụ huynh chúng tôi thực sự rất cảm ơn cô giáo ở đây./.

 

Phương Cúc/VOV miền Trung

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC