Tết này, cô giáo Dương Thị Thanh Nga, quê ở tỉnh Sơn La, giáo viên Trường Trung học cơ sở Làng Mô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ở lại ăn tết cùng bà con dân bản. 13 năm công tác trên đỉnh núi mù sương Làng Mô, năm nay là năm thứ 12 cô Nga ăn tết xa gia đình.
Những ngày này, học sinh đều đã nghỉ học về bản ăn Tết. Cô Nga cũng đã dọn dẹp xong nhà cửa. Cô cũng đã mua sắm đủ bánh mứt kẹo và có thêm cành đào học sinh tặng để đón tết.
Tết đến xuân về, khi ở xa, ai cũng nhớ bố mẹ, nhớ người thân trong gia đình, nhưng cô ăn tết mãi với bà con rồi cũng thành quen. Ngày tết ở bản tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng bà con và học sinh đều rất tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì cũng đều nhớ đến cô, nên cô cũng vơi bớt nỗi buồn. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, giờ có thêm gia đình riêng ở bản, nên từ lâu cô đã coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.
Còn cô Nguyễn Thị Hạ, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lên với vùng đất Làng Mô từ năm 1998, khi còn là một giáo viên dạy phổ cập. Hơn 20 năm công tác tại vùng đất này, cô luôn nhận nhiệm vụ "cắm" các bản xa, nơi đồng bào Mông còn nhiều khó khăn.
Năm nay là năm thứ 16 cô dạy ở điểm bản Tù Cù Phìn, cách trường trung tâm hơn 5km. Giờ cô đã có gia đình riêng và một căn nhà nhỏ ở bản làng vùng cao này và nhiều năm rồi cô không về quê ăn tết.
Bố mẹ đẻ cô ở tỉnh Thái Bình, chồng con lại ở tỉnh Điện Biên. Đường xá đi lại khó khăn, nên tết này chồng con cô ăn tết với ông bà nội ở Điện Biên, còn cô ở lại ăn tết ở bản. Bà con dân bản còn nghèo và khó khăn, nhưng tình cảm đầm ấm nên cũng vơi đi nỗi nhớ nhà. Với cô, đâu cũng là quê hương, ăn tết ở vùng cao cũng như là quê hương của mình.
(Họ ở lại ăn Tết vùng cao vì những cậu bé, cô bé dễ thương này- Ảnh: VOV)
Huyện biên giới Sìn Hồ hiện có hơn 2.400 cán bộ, giáo viên và xuân này, hàng trăm thầy, cô giáo bỏ lại phía sau nỗi nhớ nhà để ở lại bản ăn tết với đồng bào. Ngoài các giáo viên được giao nhiệm vụ ở lại trực làm công tác vận động học sinh tới trường sau tết, vẫn có nhiều giáo viên bám bản vì nặng tình với bà con dân bản. Và, những nơi có giáo viên ở lại hầu hết là các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Cũng như các huyện vùng cao khác, ở Sìn Hồ, sau mỗi dịp nghỉ lễ, tết, học sinh thường mải vui nghỉ học ở nhà. Nếu không có những giáo viên tâm huyết bám trường, bám lớp làm công tác vận động thì tỷ lệ chuyên cần của học sinh sẽ rất khó khăn.
Đón tết cùng bà con trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, song mong ước duy nhất của các thầy, cô giáo nơi biên cương Lai Châu là tất cả các em học sinh nơi đây đều được tới trường học tập, để mỗi người sẽ có một tương lai tươi sáng hơn./.
Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận