Thầy giáo người Thái miệt mài dạy chữ Mông
Thứ tư, 00:00, 15/11/2017
VOV4.VN - Thầy giáo Lò Văn Thoản, nguyên là giảng viên thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, hiện đã nghỉ hưu, biết đọc, viết và nói tiếng Mông thành thạo. Đam mê văn hóa Mông, thầy Thoản đảm nhiệm việc dạy chữ, tiếng Mông cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở Sơn La
.

 

Tốt nghiệp trường Sư phạm Sơn La năm 1978, thầy giáo Lò Văn Thoản về làm giáo viên tại Trường Thanh niên vừa học vừa làm huyện Sông Mã. Khi chuyển lên dạy học tại tại điểm bản Pá Ban, xã Nặm Màn, thầy Thoản được một già làng ở bản Pá Ban nhận làm con nuôi. Và cũng từ đây, thầy Thoản đã học và biết tiếng Mông từ gia đình cha nuôi của mình.

Về công tác tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường La sau đó, khi có chương trình của Bộ giáo dục về dạy tiếng, chữ Mông trong các trường Phổ thông dân tộc nội trú, thầy được cử đi tập huấn về tiếng, chữ Mông tại trường Cao đẳng Sơn La.

“Tôi là người dân tộc Thái nhưng lại muốn dạy chữ Mông, vì tôi thấy văn hóa, chữ và tiếng Mông rất đa dạng và có nhiều cái bổ ích” - thầy Thoản nói.

Năm 2007, thầy Lò Văn Thỏan được cử đi đào tạo chương trình dạy chữ, tiếng Mông cho giảng viên tại trường Đại học Tây Bắc và là một trong 30 giáo viên có chứng chỉ dạy chữ Mông tại các tỉnh có đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2010, thầy được cử về Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng tiếng dân tộc cho học viên chủ yếu là những cán bộ, công chức, viên chức, những người công tác tại vùng dân tộc Mông của tỉnh Sơn La.

Hơn 40 năm trong nghề, thầy Thoản đã có hơn 12 năm kinh nghiệm dạy tiếng, chữ Mông

Với đóng góp của thầy Thoản trong việc đầu tư, nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu và trực tiếp giảng day tiếng, chữ Mông, đến nay, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La đã mở hơn 36 khóa dạy tiếng, chữ Mông cho hơn 3.000 học viên.

Là giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, thầy Lò Văn Thoản được cử tham dự các Hội thảo Chương trình khung của Bộ giáo dục tổ chức tại Hà Nội về tiếng dân tộc; trực tiếp tham gia dự án “Điều tra cơ bản việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của dồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La”. Bây giờ, mặc dù thầy Thoản đã nghỉ hưu, nhưng Trung tâm vẫn tiếp tục mời thầy làm giảng viên thỉnh giảng.

 

 

 

Thào Ly/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC