Thầy giáo Y Srơm mong học trò M'nông vượt qua rào cản ngôn ngữ để học tốt
Thứ sáu, 00:00, 17/11/2017
VOV4.VN - Tận tâm với nghề, tận tình với trò là những điều mà đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh nói về thầy giáo Y Srơm, dân tộc Mnông, ở Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, xã Trường Xuân, huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông. Khơi dậy tinh thần ham học trong học sinh dân tộc thiểu số, thầy Y Srơm áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả, giúp các em học sinh yêu thích môn học.

 

Ước mơ sau này được đứng trên bục giảng đã đưa cậu học trò người M'nông đến với quyết định theo học khoa sư phạm Toán tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, rồi liên thông lên trường Đại học Đà Lạt. Ra trường, được phân công về dạy tại trung tâm huyện Đắc Song, nhưng chỉ sau 3 năm, thầy giáo trẻ Y Srơm xin chuyển về Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn tại xã Trường Xuân.

Lý giải về quyết định này, thầy giáo Y Srơm cho biết, ở Trường Xuân, các em cần những thầy cô người bản địa, bởi dù đã là học sinh trung học cơ sở, nhưng nhiều em vẫn chưa hiểu hết tiếng phổ thông. Rào cản ngôn ngữ sẽ khiến các em lùi bước trên con đường học vấn:

“Ở đây thì học sinh dân tộc thiểu số nhiều, có em chưa hiểu rõ tiếng phổ thông nên tôi phải giải thích bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng M’nông cho các em hiểu. Tôi luôn động viên các em cố gắng đi học để trang bị kiến thức cho mình, sau này để có cuộc sống tốt hơn” - thầy giáo Srơm nói.

Thầy giáo Y Srơm ân cần chỉ bảo cho học sinh của mình

Dạy học trên chính quê mình, nên thầy giáo Y Srơm biết rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, thấy được những khó khăn mà các em đối diện hàng ngày. Từ đó, thầy biết cần phải làm gì để giúp học sinh của mình không chỉ có kết quả học tập tốt mà còn có kỹ năng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Em Y Nakô, học sinh lớp 8A4, chia sẻ, cuối năm lớp 6, nghiện chơi game, em đã bỏ học lao vào những quán net. Nhờ có thầy Y Srơm gặp gỡ, phân tích và giúp ôn lại kiến thức, em quay trở lại trường lớp và theo kịp các bạn. Sự chỉ dạy tận tình của thầy khiến em chăm ngoan hơn, năm học lớp 7 em đã đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Điều khiến thầy Y Srơm luôn trăn trở là học sinh người dân tộc thiểu số bị rào cản ngôn ngữ ảnh hướng đến việc tiếp thu các kiến thức trên lớp. Thế nên, mỗi giờ lên lớp, thầy Y Srơm luôn cố gắng dùng song ngữ để chỉ rõ cho các em. Thầy giáo cho rằng: “Nếu nhà trường có điều kiện, tôi muốn tách riêng ra một lớp dạy riêng cho các em người dân tộc thiểu số. Làm như thế tôi có thời gian kèm cặp các em được nhiều hơn”.

Thầy Y Srơm giảng bài cho học sinh

Với tâm niệm là người định hướng, gợi mở giúp học sinh tự chiếm lĩnh tri thức, thầy Y Srơm luôn cố gắng tìm tòi, chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Ứng dụng các bài giảng điện tử vào nhiều tiết học và linh hoạt trong giảng dạy, những giờ học Toán của thầy Y Srơm tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em phát huy năng lực sáng tạo và tư duy. Chất lượng dạy và học môn Toán được nâng lên, số học sinh của trường đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi ngày một tăng.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thắng, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, cho biết: “Xã Trường Xuân có 12 dân tộc sinh sống và cơ bản là người M’nông. Rào cản về ngôn ngữ là khó khăn nhất. Nếu trong trường có được giáo viên tại chỗ thì sẽ thuận lợi cho công tác giảng dạy của trường”.

Những ngày này, nhiều thế hệ học sinh trên cả nước đang chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đối với thầy giáo Y Srơm, món quà ý nghĩa nhất là thấy học trò của mình hàng ngày vui cắp sách đến trường.

 

 

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC