Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La với hơn 1.000 học sinh hiện đang nằm trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, nên rất nhiều em không có máy tính và điện thoại, vì vậy, việc tổ chức dạy và học trực tuyến của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn.
Cô Cầm Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với các em học sinh không có máy tính, điện thoại, nhà trường đã thực hiện giao bài tập cho các em thông qua trưởng bản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, hiệu quả không cao bởi không có sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò.
Qua chương trình, những học sinh đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội học tập bình đẳng.
Khi Thủ tướng Chính phủ đứng ra kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thầy cô và học sinh nhà trường ai cũng thấy rất ấm lòng, bởi từ sự quan tâm của Chính phủ, của toàn xã hội, việc học tập, giảng dạy của thầy trò nhà trường sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
"Khi nhận được thông tin về chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tập thể Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh nhà trường rất là vui mừng. Chúng tôi cũng mong muốn có thể giúp các em có thiết bị để các em học, tiếp cận được với thời đại công nghệ mới và các em cũng có thể thực hiện học, không chỉ học trên lớp mà còn có thể tìm hiểu, tiếp cận được với những kiến thức mới qua các thiết bị này".
Năm học này, huyện Phù Yên có hơn 36.000 học sinh ở 3 cấp học. Theo thống kê, có tới một nửa trong số này thiếu trang thiết bị cần thiết để học theo hình thức online.
Theo bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, với đặc thù là huyện miền núi khó khăn, lại đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động chắc chắn sẽ hỗ trợ ngành giáo dục địa phương rất nhiều, nhất là giúp những học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập bình đẳng như các bạn ở các vùng miền khác.
Hiện Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đang tích cực phối hợp với các bên liên quan, nâng cấp sóng và xây dựng các phương án dạy học đảm bảo hiệu quả khi các em học sinh được nhận trang thiết bị học online.
"Việc này chúng tôi cũng đã báo cáo với Thường trực UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của huyện để nắm được tình hình và đồng thời chỉ đạo một số ngành liên quan ví dụ như là Bưu chính viễn thông hoặc Viettel, để làm sao nâng cấp hệ thống để đảm bảo cho việc tổ chức dạy học. Đồng thời, hình thức giao bài chúng tôi phối hợp với các xã, thị trấn giao cho các tổ Covid cộng đồng, tức là khi mà giáo viên giao bài, thì qua tổ Covid cộng đồng có thể chuyển đến tay các em để các em tổ chức học tập".
Là tỉnh miền núi biên giới, không riêng ở huyện Phù Yên, mà toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh ở Sơn La hiện đang rất háo hức, mong chờ các trang thiết bị học online từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Qua việc được trang bị hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ dạy và học trực tuyến, thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây sẽ có thêm điều kiện để thực hiện hiệu quả kế hoạch dạy và học, cũng như các mục tiêu đã đề ra trong năm học mới; xa hơn là giúp các em học sinh vùng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các vùng khó khăn có cơ hội nắm bắt tri thức, vươn lên trở thành những người có ích cho quê hương, đất nước.
Trấn Long/CQTT Tây Bắc
Viết bình luận