Tiếng loa gọi học bài ở vùng cao
Thứ tư, 00:00, 06/09/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh
VOV4.VN - Những ngày này, hơn 20 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới. Ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để vượt qua mọi khó khăn, đến trường đầy đủ. Từ trước ngày khai giảng 1 tháng, các địa phương vùng cao đã tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, tập hợp đội ngũ giáo viên và học sinh.

  • Các địa phương bước vào năm học mớ

 

Thầy và trò trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, phấn khởi khi được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh xây dựng công trình vệ sinh khang trang cho các em lớp bán trú dân nuôi, sửa chữa lại các phòng tắm, xây nhà ăn đa chức năng, lắp hệ thống điện và hệ thống nóng lạnh.

Hiện, cơ sở vật chất đã được tu sửa phục vụ 8 lớp học, với tổng số 207 học sinh. Không chỉ chú trọng đào tạo 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, trường còn quan tâm đến đời sống của học sinh từ những việc rất nhỏ.

Thầy giáo Vũ Lượng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: "100% học sinh học bán trú dân nuôi là người DTTS nên ngoài việc trang bị kiến thức thì chúng tôi chăm sóc nuôi dưỡng các em, giáo dục kỹ năng sống để các em tự bảo vệ mình, dạy bảo về đạo đức; làm cả những vườn rau, chăn nuôi để các em biết về giúp gia đình.

Các em xuống trường buổi đầu còn bỡ ngỡ, phân biệt dân tộc, các em chia nhóm không ngồi cùng bàn ăn với nhau, hoặc chơi với nhau riêng từng xã, nên ngay từ đầu BGH đã lấy văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi như các bài giảng về tình thương yêu. Dạy các em thành một tập thể đoàn kết, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, tránh tình trạng phân biệt nam nữ, các cấp độ tuổi và các dân tộc. Chúng tôi hướng cho các em sống trong một ngôi nhà hạnh phúc, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng cố gắng học tập và lao động".

Năm học này, toàn xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, thiếu 12 giáo viên do những thầy cô đã có nhiều năm ở vùng sâu vùng xa xin chuyển địa bàn công tác. Bởi vậy, ngoài việc tu bổ trường lớp, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến đời sống thầy cô, giúp giáo viên yên tâm cắm bản khi chưa có quyết định luân chuyển.

Ông Phạm Văn Tôn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý, cho biết: chính quyền rất chia sẻ với các giáo viên ở 11/16 điểm trường chưa có điện lưới quốc gia, đường đi lại khó khăn, thầy cô giờ vẫn phải thắp nến, dùng đèn pin, nhờ nhà dân có điện nước để sinh hoạt và soạn bài.

"Còn 1 điểm trường nữa chưa có đường ô tô đến bản, thì năm 2018 huyện sẽ giải quyết xong tuyến đường này nhờ vốn của CH Ailen. Hiện chúng tôi đã xóa được nhà tranh tre vách nứa của thầy cô giáo, xây dựng nhà công vụ cho các điểm trường. Chúng tôi đang triển khai 16 phòng học mầm non thuộc trái phiếu chính phủ của năm 2017, đã bàn giao để năm học mới, các cháu được cắp sách tới ngôi trường mới xây"- ông Tôn cho biết.

 

  • Tiếng loa gọi học ở bản Đêu

 

Từ nhiều năm nay, tiếng trống, tiếng loa gọi học vẫn vang lên đều đặn ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, như một nếp sinh hoạt đầy ý nghĩa.

7 giờ tối, tiếng rộn rã của những máy xay xát, dàn karaoke, tiếng ti vi, hát hò… tạm thời dừng lại. Giọng trưởng bản Lường Văn Pói vang lên: Đến giờ các cháu học, đề nghị bà con tắt hết các thiết bị nghe nhìn, để các cháu tập trung ngồi vào bàn học…

Chỉ cần đến 7-8 giờ tối, dù ông trưởng bản có việc bận đột xuất không gọi loa, thì ở từng nhà, bàn học vẫn sáng đèn đều đặn. Cháu Bế Tố Uyên, dân tộc Tày, đang học lớp 7, trường THCS Lê Hồng Phong, chia sẻ: "Con tự giác học, con mấy năm liền là học sinh tiên tiến. Mỗi lần nghe thấy tiếng trống thì bố mẹ đều giục con ngồi vào bàn học. Bọn con học những bài quan trọng thì mẹ tắt ti vi đi".

Trong nỗ lực giúp người dân thoát nghèo của chính quyền xã Nghĩa An, chăm lo việc học cho con cháu chính là một sáng kiến. Những ngày đầu chưa quen, xã thành lập một đoàn kiểm tra soi đèn đến từng nhà, sau khi tiếng loa gọi học được phát đi. Đoàn gồm Chủ tịch xã; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Trưởng bản; Bí thư chi bộ thôn. Vừa kiểm tra tình hình học tập của các cháu, vừa nhắc nhở hộ gia đình tăng nguồn sáng phục vụ các cháu, giảm tối đa các thiết bị âm thanh; kể cả máy xay xát, máy cưa... cũng phải ngừng hoạt động.

Những ngày cận kề khai giảng, đoàn kiểm tra còn tới từng nhà nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị đủ đồ dùng, sách vở cho con em đến trường. Khi phát hiện có trẻ không quay trở lại trường sau dịp nghỉ hè, chính quyền địa phương tìm hiểu nguyên nhân để tìm biện pháp giúp đỡ.

Đã thành thông lệ, bắt đầu từ 19 giờ đối với mùa hè, 19 giờ 30 vào mùa đông, trẻ nhỏ bản Đêu lại vào bàn học bài. Khi hệ thống loa gặp trục trặc, cả bản thống nhất đánh 3 hồi trống để các cháu vào giờ tự học buổi tối. Có lẽ việc chấp hành quy định về thời gian là một trong những nguyên nhân khiến số học sinh đạt thành tích học tập của bản ngày càng được nâng cao, thúc đẩy phong trào học tập của cả cộng đồng nơi đây.

Ông Lường Văn Pói, trưởng bản, tự hào chia sẻ: "Vận động mỗi hộ gia đình có phòng học riêng cho các cháu, qua mấy năm thực hiện tốt, tỷ lệ ra trường 100%, tỷ lệ học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước. Mình thành lập tổ chống bỏ học của thôn bản đi kiểm tra, đi 1 vòng 30 phút sau tiếng trống, để bà con có ý thức chấp hành. Xã có dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học. Mấy dòng họ ở thôn bản: họ Hoàng, họ Lường góp quỹ vào tặng quà cho các cháu học sinh giỏi cuối năm, tinh thần học tập của các cháu nâng lên".

Một năm học mới lại bắt đầu. Mong là có nhiều bản có phong trào học tập  tích cực như bản Đêu, để đến cuối năm, có nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số hân hoan với thành tích học tập tốt của mình.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC