Đắk Lắk: Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống ở một ngôi trường vùng ven
Thứ hai, 10:18, 15/03/2021 vp biên tập vp biên tập
VOV4.VN - Giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh thông qua việc cho các em tập đánh chiêng, tự tìm hiểu, sưu tầm và thuyết trình giới thiệu về văn hóa trong những buổi chào cờ đầu tuần. Đây là cách mà trường THCS Y Ngông Niê Kđăm ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đang làm để bồi đắp tình yêu văn hóa cho các em học sinh.

Trong giờ ra chơi hay những ngày cuối tuần, khuôn viên Trường THCS Y Ngông Niê Kđăm ở thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk lại vang lên tiếng chiêng tre rộn ràng. Gần 2 năm qua, tiếng chiêng tre đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với các học sinh. Em H Doen Ni Adrơng, lớp 7a1, thành viên đội chiêng chia sẻ, nhờ học đánh chiêng mà giờ ra chơi trở nên thú vị hơn, em có nhiều điều mới mẻ để tìm hiểu và trao đổi với các bạn. Từ đó em càng thêm tự hào về truyền thống của dân tộc mình và nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên để tiếp tục truyền dạy về văn hóa Êđê.

Các thành viên đội chiêng thường xuyên tập hợp để ôn luyện các bài chiêng.

Thành lập từ năm học trước, đội chiêng tre trường THCS Y Ngông Niê Kđăm có 12 học sinh cả nam và nữ thuộc khối lớp 6,7. Đây là các em yêu thích và có năng khiếu đánh chiêng. Tranh thủ ngoài giờ học, các em được nghệ nhân truyền dạy một số bài chiêng như Gọi mưa, Mời rượu, Mừng lúa mới... Sau 3 tháng tập luyện chăm chỉ với sự say mê, các em đều đã thuần thục các bài chiêng.

Cùng với duy trì đội chiêng, Trường THCS Y Ngông Niê Kđăm còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi liên quan đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Như trong dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) vừa qua, nhà trường đã tổ chức Cuộc thi làm các sản phẩm văn hóa Êđê dành cho cả giáo viên và học sinh. Qua đó đã nhận được 54 sản phẩm, hiện vật truyền thống của người Êđê như: trang phục thổ cẩm, gùi, nỏ, tù và, quả bầu, chuông đuổi côn trùng...

Chị Nguyễn Thị Thúy Ngọc, giáo viên Tổng phụ trách đội chia sẻ, từ kết quả cuộc thi, nhà trường có sự thay đổi hình thức sinh hoạt chào cờ đầu tuần, lồng ghép để học sinh tìm hiểu và tự thuyết trình về sản phẩm tiêu biểu mà các em sưu tầm được. Với cách thay đổi này, không chỉ giáo viên mà học sinh cũng hưởng ứng rất tốt. Các em mạnh dạn, tự tin giới thiệu về sản phẩm, hiện vật mà mình sưu tầm được bằng cả 2 ngôn ngữ Êđê – Việt. Cùng với đó, các hoạt động phong trào của nhà trường được các em tham gia tích cực hơn, đầy đủ hơn.

Nhà Truyền thống - Thư viện được thiết kế theo kiến trúc nhà dài Êđê,

bố trí khu đọc sách cho học sinh thoải mái đọc ngoài giờ học.

Năm học này, Trường THCS Y Ngông Niê Kđăm có 11 lớp với 322 học sinh, trong đó 95% là học sinh dân tộc Êđê. Trong khuôn viên trường xây dựng một Nhà truyền thống – Thư viện theo kiến trúc nhà dài nguyên bản của người Êđê, được hoàn thành vào tháng 8 năm ngoái. Trong đó trưng bày hình ảnh hoạt động của nhà trường qua các thời kỳ, các hiện vật về văn hóa truyền thống của người Êđê và đặt các kệ sách nhiều thể loại. Đây là không gian yêu thích của nhiều học sinh, nơi các em có thể đọc những cuốn sách mình thích hay tập luyện đánh chiêng và tìm hiểu về văn hóa dân tộc Êđê.

 Thầy Hoàng Long Điện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với giáo dục kiến thức, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động phù hợp để giáo dục kỹ năng, bồi đắp tình yêu và sự trân trọng, gìn giữ văn hóa đối với các em học sinh.Đặc biệt là hoạt động giáo dục kỹ năng gắn với văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc tại chỗ, như duy trì đội chiêng và phát triển thêm các hoạt động khác như tham gia thi, tìm hiểu, thuyết trình về các sản phẩm văn hóa của người Êđê và nhân rộng các mô hình.

Giáo dục kỹ năng sống gắn với tìm hiểu giữ gìn văn hóa truyền thống là cách làm hay của Trường THCS Y Ngông Niê Kđăm. Những hoạt động này không chỉ tạo không gian để học sinh vui chơi, trải nghiệm sau những giờ học căng thẳng mà còn góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống đối với các thế hệ học sinh./.

VOV Tây Nguyên

vp biên tập

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC