Người phụ nữ Mông khởi nghiệp bằng mặt hàng thổ cẩm
Thứ sáu, 00:00, 08/09/2017 Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh
​​VOV4.VN - Vốn sẵn có nghề, nhờ sự nhanh nhạy với thị trường cùng với tư duy sáng tạo, ham học hỏi, Thào Thị Sung (SN 1982), người phụ nữ dân tộc Mông, đã từng bước làm nên giá trị cộng thêm cho sản phẩm lanh thổ cẩm truyền thống của người Mông. Cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai, nhờ đó khấm khá hơn.


Từ ước mơ giản dị... 


“Mình không muốn cho bà con mình đi bán hàng rong, là xấu hổ. Nhìn họ đi bán hàng rong, nhặt rác trong thùng, họ lấy chai đi đổi tiền là mình khóc. Tôi mong muốn dạy học sinh biết thêu, lớn lên nếu không đi làm nhà nước họ sẽ mở một gian hàng như tôi, phát triển như tôi và họ cũng sẽ giúp đỡ người khác” - Câu chuyện khởi nghiệp của Thào Thị Sung dung dị như chính cuộc sống của chị.


Thào Sung với học trò của mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Để đồng bào mình không phải đi bán hàng rong, đeo bám khách du lịch, cô gái Thào Sung đã ấp ủ dự định giúp người dân trong xã thoát nghèo từ nghề thổ cẩm truyền thống của mình. Ước mơ ấy bắt đầu từ năm 2015, khi được Sa pa Ô Châu, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và kinh doanh sản phẩm thổ cẩm, đồng hành với tư cách là nhà tư vấn, hỗ trợ 1 chiếc máy khâu.

Ngay sau đó, chị dùng toàn bộ số tiền 50 triệu đồng chồng vừa thu hoạch vụ lan để cất một căn nhà nhỏ, trang bị khung cửi, dệt lanh, rồi vận động người dân địa phương thành lập Câu lạc bộ Thổ cẩm số 1 ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn. Đây là nơi quy tụ chị em trong bản có tay nghề thêu thùa, may vá, làm ra các sản phẩm thủ công, cũng là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm cho khách du lịch. 

Và không chỉ có vậy, từ đây, Thào Sung còn quảng bá, bán hàng online trên facebook. Lợi nhuận thu về 15–25 triệu đồng/tháng. Lãi lời chia cho bà con thu nhập khoảng 2–3 triệu đồng/người. Nhờ bán hàng online, thị trường hàng lanh, thổ cẩm của câu lạc bộ do Thào Sung phụ trách mở rộng ra các Tp lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Câu lạc bộ ban đầu chỉ có 17 người tham gia. Nay, đã có 60 người. Người già có, trẻ có. Ngoài việc hướng dẫn, tổ chức các chị em thêu thùa, làm lanh, Thào Sung còn liên kết với các trường học trong vùng, dạy miễn phí cho các em học sinh. Mục đích là để bọn trẻ không quên nghề cha ông truyền lại. 


Sản phẩm với nhiều mẫu mã của tổ hợp tác lanh, thổ cẩm Tả Phìn do Thào Sung làm trường nhóm. Ảnh nhân vật cung cấp

 

Sáng kiến phát triển kinh tế

Sáng kiến trồng lanh, dệt vải, thêu thùa, may vá của Thào Sung không chỉ giúp chị em phụ nữ Mông phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tạo điều kiện gắn kết cộng đồng. Giàng A Lung, thành viên của câu lạc bộ thấy nhiều lợi ích khi tham gia: “Tôi thấy có lợi rất nhiều. Vừa tăng thêm thu nhập cho bản thân, bà con trong thôn chẳng có ai đi bán hàng rong nữa. Chị em tập trung làm, thu nhập bình quân 2–3 triệu/người/tháng”.

Tại Hội thi Sáng kiến giảm nghèo thông qua phát huy nội lực cộng đồng năm 2016 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, sáng kiến sản phẩm thổ cẩm lanh của Thào Sung đã được vào chung kết. Từ đây, con đường đến với ước mơ của Thào Sung gần hơn khi có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia phát triển cộng đồng. 

Ngoài các sản phẩm truyền thống, nhiều mẫu mã mới đã ra đời như túi đựng laptop, ipad, máy ảnh; khăn trải bàn, vỏ chăn, gối, ba lô, túi xách… 

Anh Vũ Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng, chuyên gia tư vấn trực tiếp, đồng thời cũng chính là một khách hàng chủ lực của câu lạc bộ thổ cẩm lanh Tả Phìn, cho biết, gần 1 năm nay, nhóm đã đổi mới được nhiều mẫu mã sản phẩm thổ cẩm, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. 

“Người Nhật rất thích hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và nhóm lanh thổ cẩm của Thào Sung là một trong những nhóm hàng bản địa, người Nhật nói riêng và người nước ngoài rất thích. Tôi sẽ kết nối để bán hàng thổ cẩm của Thào Sung sang bên Nhật. Còn thị trường trong nước thì tôi đã bán cho Thào Sung rồi, tôi cũng chào hàng vào một số khách sạn, các điểm du lịch. Họ bán, sau đó Thào Sung cứ thế là xuất hàng và bán xuống dưới này thôi” - anh Hòa nói.

Trước sự phát triển không ngừng của câu lạc bộ và sự hỗ trợ của các chuyên gia, tháng 11/2016, Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn, do Thào Sung làm Tổ trưởng, đã ra đời. Với Thào Sung, đó là nguồn động viên vô cùng lớn trong bước đường khởi nghiệp của chị cũng như đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. 


Cần chuyên môn hóa trong sản xuất


Hiện tại, tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm của Thào Thị Sung đang phát triển cả về sản lượng và nhân công. 

Điều Thào Sung đang vướng mắc là làm sao có thể mở rộng diện tích nhà xưởng trong khi vốn không có. Theo anh Vũ Hòa, để khắc phục tình trạng này, tổ hợp tác lanh, thổ cẩm Tả Phìn cần chuyên môn hóa trong sản xuất, biến mỗi gia đình thành xưởng sản xuất. Từ đó, mỗi người có thể chuyên sâu về một khâu như nối lanh, làm cúc, thêu hoa văn... lại có thể truyền nghề cho con cháu.

Đây sẽ là tiền đề để Thào Sung có thể đưa tổ hợp tác lanh, thổ cẩm Tả Phìn trở thành hợp tác xã, hoặc công ty, đưa thổ cẩm truyền thống bước sang một trang mới.

 

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt chương trình + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC