Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mục tiêu hướng đến là phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Với sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan chức năng, đặc biệt các tổ chức Hội phụ nữ, đã có những chị em nông dân người dân tộc thiểu số mạnh dạn khởi nghiệp, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, đăng ký tham gia chương trình này.
Trịnh Thị Thanh Hòa, một phụ nữ năng động trong hội nhập phát triển kinh tế.
Thời gian này, các nữ xã viên của hợp tác xã Nhung Lũy ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn đang sản xuất Lạp sườn hun khói - sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là một trong những sản phẩm mà chị em phụ nữ đã đăng ký sản phẩm Ocop. Sau gần 2 năm đăng ký, nhờ những nỗ lực trong duy trì chất lượng, đầu tư cho mẫu mã sản phẩm, tới nay, sản phẩm này đã được xếp hạng đạt 3 sao. Đây cũng là một trong số 12 sản phẩm Lạp sườn được chứng nhận Ocop ở Bắc Cạn. Theo chị Đinh Tuyết Nhung, giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy, việc công nhận này được xem như tấm hộ chiếu thông hành để chị em phụ nữ nơi đây đưa Lạp sườn Bắc cạn đến với thị trường cả nước hợp.
Tham gia chương trình OCOP, được sự hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành liên quan, mỗi thành viên trong các tổ hợp tác khu vực miền núi được vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền từ 50 đến 100 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo và cận nghèo trong thời gian vay từ 3 đến 5 năm. Từ đó giúp các chị em có điều kiện tham gia góp vốn hợp tác sản xuất của các tổ hội phát huy sức mạnh tập thể, có nguồn vốn để đầu tư cho phát triển các đặc sản của địa phương.
Lạp sườn Nhung Lũy chỉ là một trong số những sản phẩm do chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đăng ký sản phẩm ocop trên cả nước. Tại các địa phương vùng cao khác, khi Trung ương hội phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp hội đã phối kết hợp với chính quyền và ngành chức năng địa phương lên kế hoạch sản xuất xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của hội viên. Tới nay đã có rất nhiều sản phẩm đã được công nhận 3 sao, 4 sao.
Chị Lý Thị Quyên, người Dao ở Bắc Kạn đã thay đổi tư duy khi tham gia Ocop.
Sau một thời gian hưởng ứng chương trình Ocop, chị em phụ nữ tham gia cũng đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong phát triển sản xuất, bảo tồn các giá trị đặc sắc của từng địa phương và nâng cao đời sống ở vùng nông thôn.Tuy nhiên, nền sản xuất hàng hóa ở miền núi nói chung và các dự án của chị em các dân tộc thiểu số nói riêng vẫn bị đánh giá là còn manh mún, sản lượng thấp cũng như chưa hoàn thành các cơ sở pháp lý để đưa sản lượng ra thị trường lớn.
Khu vực miền núi vốn có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Và khi tham gia chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ về truyền thông, cũng như hoàn thiện tiêu chuẩn sản phẩm để có thể đứng vững trên thị trường. Song, để xây dựng được một sản phẩm OCOP, chắc chắn các chủ cơ sở sản xuất sẽ gặp không ít khó khăn.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận