Phum sóc Khmer háo hức chờ đón Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo
Thứ ba, 00:00, 24/10/2017
VOV4.VN - Lễ hội Ok om bok – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3, khu vực ĐBSCL 2017 diễn ra từ ngày 28/10 – 3/11. Đua ghe Ngo được xem là hoạt động điểm nhấn của lễ hội. Khi mà ngày khai hội càng cận kề, thì công tác chuẩn bị, tập dợt của các chùa có ghe ngo tham dự càng thêm phần khẩn trương, phấn khởi, háo hức.

 

Ở chùa Tam Sóc, thuộc xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, gần nửa tháng nay, ngày nào cũng vậy, khi mà công việc đồng áng tạm gác lại, hơn 60 thanh niên trai tráng và bà con háo hức tề tựu về chùa vào buổi chiều để tập dợt đua ghe ngo.

Anh Danh Thiệu, từng 5 năm tham gia bơi đua cho đội ghe ngo chùa Tam Sóc, cho biết, dù bận rộn với mùa dậm lúa, hay công việc sản xuất của gia đình, nhưng khi được sư trụ trì, ban quản trị chùa kêu gọi, anh tranh thủ thời gian, hăng hái tham gia tập luyện: "Rất thích môn thể thao này, thế là mình đến chơi. Công việc thì mình ráng làm hoàn thành sớm, chiều về đây tập bơi. Đây là môn thể thao có tinh thần đoàn kết cao".

Đội ghe Ngo chùa Tam Sóc (Mỹ Tú, Sóc Trăng) đang hăng say tập luyện 

Đội ghe ngo chùa Tam Sóc là một trong những đội ghe nổi tiếng với nhiều thành tích tại các giải đua cả trong tỉnh Sóc Trăng, lẫn khu vực. Đội ghe của chùa từng nhiều lần thi đấu ở Campuchia, Singapo, Thái Lan, Trung Quốc. Những năm gần đây, đội thi đấu đạt kết quả không như mong đợi, nhưng không vì thế mà tinh thần thể thao của phật tử bổn chùa giảm đi.

Ông Danh Can, Đội trưởng Đội ghe Ngo chùa Tam Sóc, cho biết, chuẩn bị tham gia lễ hội năm nay, chùa đã bỏ ra hơn 80 triệu đồng để sửa chữa chiếc ghe ngo khá bắt mắt; tuyển chọn được gần 100 tay bơi giỏi, có nhiều kinh nghiệm, nên kỳ vọng giành được thứ hạng cao ở lễ hội lần này. 

Lại chùa Tum Núp, thuộc xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, khi trời đã sập tối. Xa xa vẫn nghe được tiếng còi, nhịp bơi khá đều cùng tiếng cổ vũ hò reo bừng lên không gian thanh tịnh của ngôi chùa cổ kính này. Gần 100 vận động viên nam, nữ hăng say tập luyện.

Nhìn những cánh tay từng nhịp, từng nhịp mạnh mẽ quạt nước, cảm nhận được quyết tâm cao của toàn đội. Theo bà con phật tử ở đây, việc tập luyện chuẩn bị đua ghe ngo ở chùa Tum Núp đã kéo dài hơn một tháng nay.

Một chiếc ghe ngo đang trong quá trình hoàn thành chuẩn bị tham gia Lễ hội

Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Tum Núp, chia sẻ, ngoài ghe ngo nam được cử đi thi đấu hàng năm, năm nay, nhà chùa cùng bà con phật tử đóng góp hơn 150 triệu đồng để sửa chữa thêm chiếc ghe ngo cho vận động viên nữ tham gia. Đây là niềm vui lớn của bà con trong phum sóc.

Đặc biệt hơn, chiếc ghe Kề Hâu (loại ghe chỉ chở các vị trụ trì, sư sãi, archa đi theo ghe ngo thi đấu) có tuổi đời cả trăm năm, đang lưu giữ tại chùa sẽ trình làng trong “Lễ phục dựng và bảo tồn ghe Kề Hâu”, một trong hoạt động chính của Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần 3, khu vực ĐBSCL 2017.

Đại đức Lâm Hiệp nói: "Chùa Tum Núp chúng tôi rất tự hào. Gần 50 năm trở lại đây, ghe ngo của chùa luôn có mặt tham gia lễ hội, dù đời sống, kinh tế của phật tử có lúc cũng gặp khó khăn, nhưng vì tinh thần thể thao, sự đam mê, mong muốn giữ gìn và bảo tồn bản sắc dân tộc".

Ok Om Bok – đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của bà con Khmer. Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng tuyển chọn các tay bơi để tập dợt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo.

Nghệ sĩ ưu tú Sơn Lương, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sóc Trăng, từng viết: "Nghe xa xa những câu hò đệm, tuy mộc mạc nhưng lại thắm sâu vào lòng người “Hây dơ dơ hây dơ môn…”.  “Hây dơ dơ hây dơ môn…” như là tiếng gọi của lễ hội truyền thống mà mỗi người dân Khmer đều biết, đó là tiếng gọi của ngày đua ghe Ngo thường diễn ra vào rằm tháng 10 Âm lịch.

 

 

 

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC