Sôi động Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021
Thứ hai, 10:15, 27/12/2021 Thu Ha bt- 6 ảnh Thu Ha bt- 6 ảnh
VOV.VN - Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 đã diễn ra tốt đẹp tại tỉnh Lai Châu với nhiều hoạt động sôi nổi.

 

Diễn ra tại Lai Châu từ ngày 24/12 đến 26/12, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 đã thu hút trên 3.000 khách mời, diễn viên, nghệ nhân, vận động viên đến từ 11 địa phương trong nước gồm: Lai Châu, Thái Nguyên, Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Điện Biên, Thanh Hóa, Hòa Bình và Đắk Lắk tham gia.

Trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như trải nghiệm không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; thi giã bánh giầy; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông.

Sôi động Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021.

Trong buổi sáng đầu tiên của Ngày hội đã diễn ra phần thi giã bánh giầy sôi động, cuốn hút. Các nghệ nhân đã đem những kỹ năng, kinh nghiệm, cách làm độc đáo của mình để tạo nên những chiếc bánh giầy mang đậm bản sắc của địa phương. 

Anh Lù Seo Cù, đoàn tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Bánh giầy của tỉnh khác thì hay có nhân còn bánh giầy của Tuyên Quang thì không gói nhân, để tránh tình trạng bị thiu, để được lâu, nướng trên bếp lửa ăn sau Tết.

Trong khi đó, chị Vì Thị Sùng, đoàn tỉnh Lai Châu cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị gạo nếp, lạc giã thành bột để xoa tay đi nặn không bị dính. Tôi sẽ dùng lá chuối xanh để gói bánh. Chúng tôi đã tập hợp một đội 6 người, 4 nam giã bánh còn 2 nữ sau khi giã xong nặn bánh. Chúng tôi sẽ gắn kết với nhau để phần thi hoàn thành tốt nhất, mong là mang được bản sắc văn hóa truyền thống”.

Giới thiệu vẻ đẹp con người, cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông.

Trong khuôn khổ ngày hội, các vận động viên tham gia tranh tài ở nhiều môn thể thao truyền thống của dân tộc Mông. Với sự tham gia của 6 tỉnh, gần 200 huấn luyện viên, vận động viên thi đấu sôi nổi, hấp dẫn các môn thi thể thao đã kết thúc thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã trao 27 bộ huy chương ở 04 môn thi đấu, gồm: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tù lu.

Tái hiện những trò chơi dân gian.

Song song với đó, là chuỗi các hoạt động du lịch trải nghiệm như festival dù lượn, trải nghiệm sản phẩm du lịch tại huyện Tam Đường, khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Lai Châu.

Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên dân tộc Mông các tỉnh giao lưu, gặp gỡ, trải nghiệm cũng như quảng bá, giới thiệu những nét đẹp của dân tộc, của địa phương.

Đây là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Mỗi tỉnh tham gia đã tái hiện 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông ở địa phương mình. Đoàn các tỉnh cũng đã trưng bày tranh, ảnh, mô hình, hiện vật, nhạc cụ; nghề thủ công, thổ cẩm phản ánh rõ văn hóa dân tộc Mông trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ bế mạc

Trong quá trình tổ chức, các hoạt động đã đảm bảo được công tác phòng chống dịch, khẳng định việc Lai Châu thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Ngày hội đã giúp cho mỗi người hiểu biết, trân trọng và gìn giữ các di sản văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Từ đó, thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ./.

 

Tổng hợp

 

Thu Ha bt- 6 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC