Tết hoa của đồng bào Cống nơi vùng biên
Thứ năm, 00:00, 26/11/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Tết hoa Mào gà là một trong những ngày lễ cổ truyền, quan trọng của đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên phản ánh sinh động đời sống và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

 

Tại tỉnh Điện Biên, đồng bào Cống sinh sống ở 4 bản Púng Bon, Huổi Moi, Nậm Kè và Lả Chà, thuộc 3 xã của các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên, với hơn 210 hộ, hơn 1.150 nhân khẩu.

Bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ - 1 trong 4 bản người Cống ở Điện Biên.

Cứ vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm, khi công việc gặt hái, thu hoạch nông sản đã xong, đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên lại tất bật chuẩn bị cho Tết hoa Mào gà

Ngày tết cổ truyền, chứa đựng những yếu tố văn hóa đặc sắc, sinh động của đồng bào Cống - Ảnh: VOV

Ngoài tết hoa Mào gà (Mền Loóng Phạt Ái), hiện nay, đồng bào Cống còn lưu giữ nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ lên nhà mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng hồn lúa, Cúng nương rẫy.- Ảnh: VOV

Bàn thờ của tổ tiên của người Cống không thể thiếu 2 loại hoa Mào gà (vàng, đỏ), củ Đậu và Khoai Sọ - Ảnh: VOV.

Năm nay, bà con trong bản tổ chức Tết hoa mào gà sớm hơn năm ngoái vì vụ mùa kết thúc sớm- Ảnh: VOV 

Tết hoa Mào Gà là dịp để bà con hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và các đấng thần linh (thần đất, thần sông, thần rừng…) trong năm cũ đã phù hộ, đồng hành, tiếp thêm sức mạnh cho dân bản vượt qua thử thách, có sức khỏe dồi dào, không bệnh tật và cây cối trên nương rẫy, ruộng vườn tốt tươi, mùa màng bội thu 

Tết hoa Mào Gà là dịp để bà con hướng về nguồn cội - Ảnh: VOV

Trong Tết hoa Mào gà, dân bản sẽ cầu xin tổ tiên, thần linh những điều tốt đẹp trong năm mới; người dân trong bản cũng chúc cho nhau những điều tốt đẹp, cùng sum vầy, đoàn kết, vui chơi để bàn làng càng thêm đoàn kết.

Cầu xin những điều tốt đẹp trong năm mới - Ảnh: VOV

Tết hoa Mào gà trước đây thường diễn ra nhiều ngày, nhưng nay thì chỉ diễn ra trong 1 ngày 1 đêm tại nhà già làng và các hộ gia đình.

Nay thì chỉ diễn ra trong 1 ngày 1 đêm - Ảnh: VOV

Cách thời điểm tổ chức Tết hoa Mào gà khoảng 10 ngày, thầy cúng của bản sẽ xem sách, chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản) và thông báo, ấn định với người dân trong bản biết ngày tổ chức Tết của bản mình.

Buổi sáng sớm ngày tổ chức Tết hoa, sau nghi thức cúng bản, già làng sẽ “phát lệnh” cấm bản. Biểu tượng “Me khá” (được đan bằng tre nứa, có hình mắt cáo - giống biểu tượng “Ta-leo” của người Thái) sẽ được cắm ở cổng rào đầu bản như gửi thông điệp đến mọi người không được tự do ra, vào bản - Ảnh: VOV.

Sau khi kết thúc lễ cúng bản, chủ của mỗi gia đình sẽ lên nương, tìm đến vùng chuyên gieo trồng hoa Mào gà để chọn những cành hoa đẹp, hái mang về nhà thầy cúng, cùng nhau trang trí lên một cây tre còn nguyên cành dựng giữa nhà thầy cúng, sau đó đi cắm hoa lên các cửa, vách, cầu thang, bờ rào của các gia đình trong bản - Ảnh: VOV

Tại nhà thầy cúng, các gia đình sẽ mang lễ vật đến và bày biện lên mâm cúng đặt dưới chân cây hoa. Con vật dâng lễ hiến sinh (gà), các loại củ, quả, bánh, 2 con cá khô nấu canh với lá xả (pùm phi), khoai sọ (pùm xì), rượu (tý khá)…được sắp đặt trên mâm cúng. - Ảnh: VOV

Một nghi thức Cúng Hồn trong Tết hoa Mào gà - Ảnh: VOV

Sau những hồi trống, chiêng vang giòn và ngân xa khắp bản, báo hiệu lễ cúng của Tết hoa Mào gà bắt đầu, thầy cúng sẽ thực hiện các lễ thức để mời gọi các thần linh, tổ tiên về dự lễ; dâng lễ vật lên các đấng thần linh, tổ tiên và xin phép tổ tiên cho dân làng tổ chức Tết hoa. Sau lễ thức này, những con vật hiến sinh sẽ được mang đi làm thịt để làm mâm cúng (đồ chín) mời các thần linh, tổ tiên - Ảnh: VOV

Sang phần hội, không khí bản làng trở nên tưng bừng, hân hoan, hoạt náo bởi nhiều người trong bản cùng tề tựu về bãi đất trống giữa bản để cùng ca hát, nhảy múa, chơi trò chơi dân gian trong rộn rã nhịp trống, chiêng và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới ấm no, hạnh phúc, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Sang phần hội, không khí bản làng trở nên tưng bừng - Ảnh: VOV

Tết hoa Mào gà là hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời, tiêu biểu nhất và là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên. Tết hoa Mào gà đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2019 và Tết này hiện là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên./.

                                             Vũ Lợi/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC