Phụ nữ Mông Hà Giang đưa sản phẩm thổ cẩm lanh ra thị trường
Thứ tư, 00:00, 29/11/2017 THU HÀ THU HÀ
VOV4.VN - Dệt lanh là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cây lanh được coi là cây xóa đói giảm nghèo. Nhiều mô hình hợp tác xã dệt lanh đã được thành lập, trong đó có HTX dệt lanh của phụ nữ các xã Lùng Tám, Cán Tỉ.

 

Theo ông Hoàng Đình Phới, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ: “Tại Quản Bạ, chương trình 135 triển khai rất tốt, chủ yếu là hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, thay đổi hình thức, phương pháp sản xuất, nâng cao nhận thức của người dân về xóa đói giảm nghèo. Hiện nay lãnh đạo huyện Quản Bạ đang chỉ đạo thành lập các HTX dệt lanh do phụ nữ đảm trách để bảo tồn văn hóa dân tộc. Từ khâu trồng lanh đến khâu sơ chế và khâu dệt đều do phụ nữ đứng ra làm cả”.

Vài năm trở lại đây, các HTX dệt lanh đã được thành lập. Đây chính là mô hình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Điều đặc biệt là các mô hình này đều được xã hội hóa, vừa sử dụng vốn đầu tư ban đầu của chương trình 135, vừa sử dụng nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp.

Người Mông luôn tự hào về các trang phục làm bằng tay của mình. Từ xa xưa, tất cả quần áo của người Mông đều được làm từ vải lanh. Để có một sản phẩm lanh hoàn chỉnh phải qua 30 công đoạn từ lấy cây lanh về, tuốt sợi, quay khung xe để lấy thành bó sợi, dệt bó sợi trên khung dệt, đến vẽ sáp trên nền vải trước khi cho vào nhuộm…

Giờ đây, ở Quản Bạ, nhiều phụ nữ tham gia vào các HTX dệt lanh. Những công đoạn chính đã có máy móc đảm nhiệm. Nói đến HTX dệt lanh ở Quản Bạ, không thể không nhắc đến HTX dệt lanh xã Lùng Tám. Lùng Tám, phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành hầu hết biết xe lanh dệt vải. Màu sắc của vải thổ cẩm Lùng Tám được làm từ cây cỏ, hoa lá trong rừng, quanh vườn nhà.

Ở thôn Cán Tí, mô hình HTX dệt lanh được thành lập từ năm 2010. Tuy nhiên, thời gian đầu, chị em gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, HTX suýt tan vỡ vì sản phẩm làm ra không biết bán ở đâu. Nhiều sản phẩm bị tồn lại trong kho rồi bị chuột cắn hỏng hết. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của xã và huyện, chị em được mời đi dự hội chợ ở Hà Nội và các địa phương lớn, tìm được bạn hàng cả trong và ngoài nước.

Các sản phẩm của HTX là vải lanh tự dệt, túi xách, trang phục, đệm, gối… được xã và huyện kết nối với các doanh nghiệp. Nhờ đó, những sản phẩm vải lanh thổ cẩm của các HTX dệt lanh ở Quản Bạ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và nhiều thị trường Mỹ, Nhật Bản, Thuỵ Sỹ, Canada, Pháp… 29 người trong HTX giờ đây đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Có hộ thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã thoát nghèo khi tham gia HTX dệt vải. 

Những năm qua, mô hình HTX dệt lanh ở Quản Bạ hoạt động khá hiệu quả, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều chị em. Chính vì vậy, tỉnh Hà Giang đang nhân rộng ra Đồng Văn và các huyện khác, coi đây là mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ địa phương.
HTX thổ cẩm tại thôn Xà Phìn A, xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, vừa thành lập ngày 11/9/2017 với 25 người, tất cả đều thuộc hộ nghèo. Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết: “Tỉnh xác định, để phát triển du lịch thì phải có sản phẩm du lịch. Việc thành lập các HTX là khuyến khích sản xuất và tiêu các sản phẩm như dệt, may truyền thống. Đây cũng là hình thức khôi phục văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, việc hình thành các HTX thêu, dệt của dân tộc Mông, Lô Lô, Dao là dựa trên nhu cầu tạo công ăn việc làm của chính bà con địa phương. Để phát triển kinh tế thì tỉnh có chính sách hỗ trợ cho những làng nghề để bà con có điều kiện xây dựng những làng văn hóa về thổ cẩm để xóa đói giảm nghèo".

HTX thổ cẩm Xà Phìn A được trang bị 2 máy khâu, một máy vắt sổ và chị em tự chế một máy nhuộm để không phải làm bằng tay. HTX được huyện đầu tư máy móc, giáo viên dạy, kéo điện về HTX. Huyện còn cấp cho 3 gian nhà để trình diễn và bán sản phẩm tại nhà Vương và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho HTX. Huyện cũng giới thiệu doanh nghiệp cho HTX để có nơi tiêu thụ sản phẩm

Nắm được nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, rất thích các sản phẩm nhuộm màu bằng lá cây tự nhiên, các chị tập trung theo hướng làm ra sản phẩm là các loại túi, túi đựng điện thoại, iPad, chăn ga gối đệm, tranh treo tường, trong đó chủ yếu là các sản phẩm tranh treo tường với đặc sắc của Đồng Văn là cột cờ Lũng Cú và nhà Vương.

Đặc biệt, HTX có một quyển Ca-ta-lô, nếu khách du lịch thích một sản phẩm nho nhỏ nào đó, có thể đặt hàng, chỉ sau 30 phút sẽ được lấy ngay. Còn những sản phẩm to, cầu kỳ, HTX sẽ ghi lại địa chỉ khách sạn của khách, sau đó đưa đến tận nơi. Không chỉ trực tiếp làm ra sản phẩm ngay trước mặt khách, các thành viên HTX còn thuyết trình cho họ hiểu về ý nghĩa của cách luồn kim, hình ảnh con ốc sên và các loại hoa văn,... Tức là vừa bán sản phẩm vừa quảng bá nét văn hóa riêng có của người Mông.

Hiện nay ở Đồng Văn, ngoài những HTX như ở Xà phìn A, còn có các tổ phụ nữ liên kết về may mặc trang phục dân tộc, được huyện hỗ trợ từ nguồn vốn 135 và ngân sách địa phương. Ở các xã như Phố Cáo, Sàng Tủng, thị trấn Phố Bảng và Xà Phìn, những mô hình này đều rất phát triển. Tất cả đều tập trung làm các sản phẩm dân tộc.

Các sản phẩm ở Đồng Văn hoàn toàn khác với những nơi khác, các chị tự tay trồng, tự tay làm và nhuộm ra thành vải, rồi đem may và bán ra thị trường, mà không nhập từ Trung quốc. Nhờ đó, giờ đây, các mặt hàng thổ cẩm của Đồng Văn đã có mặt ở khắp các tỉnh thành như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, rồi vào tận Đắc Lắc. Đời sống của chị em có những đổi thay rõ nét, nhiều chị vươn lên thoát nghèo.

Các mặt hàng thổ cẩm của Đồng Văn, Quản Bạ đang được rất nhiều du khách trong, ngoài nước yêu thích và đặt mua. Hà Giang quyết tâm từ khó khăn, gian khổ tạo ra những bước đi mới, những mục tiêu mới trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

 

 

 

 Thu Hà VOV4

THU HÀ

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC