Sinh viên Mông khởi nghiệp và những ý tưởng táo bạo
Thứ sáu, 00:00, 24/11/2017 THU HÀ THU HÀ
VOV4.VN - Hà Nội hiện có khoảng 3 nghìn sinh viên Mông đang theo học đại học. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều người phải vừa học, vừa đi làm thêm. Đưa các sản phẩm nông sản của địa phương xuống Hà Nội bán lấy lãi, các em nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ chính những sản phẩm này.

 

Tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp thanh niên thủ đô, làm quen với một số bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, Vừ Pát Ly đã vận động anh em bạn bè và sau một thời gian, Câu lạc bộ Khởi nghiệp dành cho thanh niên Mông tại Hà Nội đã được thành lập. Vừ Pát Ly là người Mông, ở xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ly vừa tốt nghiệp Đại học Nội vụ Hà Nội.

Câu lạc bộ Khởi nghiệp dành cho thanh niên Mông tại Hà Nội thành lập vào tháng 9/2016. Câu lạc bộ chia thành các nhóm, trong đó 1 nhóm làm nhiệm vụ truyền thông, làm các video hình ảnh, một nhóm làm về nhiếp ảnh và một nhóm trang phục Mông. Những bạn trong nhóm trang phục Mông đều có khả năng thiết kế và đang có ý tưởng cách tân trang phục của người Mông sao cho dễ mặc hơn, đỡ nặng nề hơn. Vừ Pát Ly phụ trách nhóm phân phối các sản phẩm nông sản.

Ly và các bạn thành lập nhóm này vì đều nhận thấy ở địa phương mình trồng được rất nhiều loại rau nhưng lại không bán được, vứt đi rất nhiều. Trong khi đó, đây lại là những loại rau mà Hà Nội rất cần. Các bạn trong nhóm làm công việc kết nối các sản phẩm ở các vùng quê với Hà Nội.

Nếu bán được các sản phẩm rau và nông sản, tiêu thụ cho các vùng quê, Ly và các bạn sẽ giúp người dân vùng cao có thêm thu nhập, giảm bớt đói nghèo. Thêm vào đó, nếu trồng rau quả theo quy trình sạch, sẽ góp phần bảo vệ môi trường và còn giúp bà con học thêm công nghệ trồng trọt mới.

Các bạn trong nhóm đều nhận thấy rằng: hiện nay ở vùng miền núi người ta cũng dùng nhiều phân hóa học làm cho đất bị thoái hóa, bạc màu, ảnh hưởng đến môi trường, gây ra nhiều bệnh tật. Vì vậy nhóm đã kết nối với các kỹ sư nông nghiệp. Nếu nhóm duy trì được công việc này lâu dài thì các kỹ sư sẽ đến tận nơi hướng dẫn cho bà con. Như vậy, nhóm sẽ góp phần chuyển giao công nghệ cho bà con trên quê hương mình, hạn chế dùng phân hóa học, thay bằng phân xanh và phân chuồng.

Hiện nay, nhóm của Vừ Pát Ly duy trì thường xuyên 12 bạn ở 12 tỉnh khác nhau. Cách làm của nhóm là đưa xuống Hà Nội các lọai rau và những đặc sản vùng cao của các địa phương. Sau một thời gian, nhóm đã thâm nhập được vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Miền Xanh và đã chia các mặt hàng thành 2 nhóm là nhóm các mặt hàng thế mạnh gồm đặc sản của từng vùng miền bao gồm mật ong, gà đen và các loại gạo… và nhóm các mặt hàng chủ lực là những mặt hàng bất cứ lúc nào khách hàng đặt cũng có, trong đó có cải mèo.

Vừ Pát Ly bên gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản vùng cao

Sau hơn 1 năm, nhóm đã thu về gần 70 triệu đồng, bước đầu góp phần giúp bà con vùng cao tiêu thụ được các sản phẩm làm ra. Nhóm cũng đã đưa vào thử nghiệm 3 mô hình sản xuất hộ gia đình mang tính chất hàng hóa, ở xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Với những thành công bước đầu, hiện tại, nhóm đang duy trì mỗi tuần họp một lần. Tại các buổi họp, nhóm mời các anh chị ở Câu lạc bộ thanh niên thủ đô hoặc những người quen đã mở doanh nghiệp đến chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh. Nội dung chia sẻ mỗi tuần một chủ đề khác nhau. Những buổi gặp mặt cũng là dịp để các bạn trong nhóm tự học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

Trưởng nhóm Vừ Pát Ly đang ấp ủ ý định thời gian tới sẽ thành lập một cơ sở ở Hà Nội chuyên bán các sản phẩm của người Mông: rau củ quả, nông sản vùng cao. Từ cửa hàng đó nhân rộng lên khi có nhiều cửa hàng tiêu thụ sản phẩm của mình.

Sau một thời gian tự làm, tự mày mò, nhóm phân phối các sản phẩm nông sản đã tìm đến với Tổ 59 của Ủy ban Dân tộc. Được các anh chị giúp đỡ rất nhiều, từ tư vấn mẫu mã sản phẩm đến cách thức quản lý và kết nối, nhóm đã có thêm một số thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, khó khăn là vô cùng nhiều.

Khó khăn đầu tiên là hầu hết các bạn trong nhóm đều đang đi học, vì vậy, thời gian dành cho việc lấy hàng, bán hàng chưa nhiều. Thêm nữa, do thiếu kinh nghiệm bảo quản nên nhiều khi, hàng chở từ trên quê xuống đến Hà Nội thì hỏng hết. Thậm chí có lần chuyển 12 con gà từ Yên Bái về đến Hà Nội chết mất 6 con.

Trưởng nhóm Vừ Pát Ly cho biết: "Khó khăn lớn nhất của nhóm hiện nay là vốn; thứ 2 là kiến thức, kinh nghiệm. Thứ 3 là sản phẩm của nhóm đều là sản phẩm thô mà Hà Nội lại quá xa".

Có một niềm vui, niềm an ủi là nhóm đã kết nối được với một số bạn hàng, trong đó có Công ty YGO. Đại diện YGO muốn nhóm cung cấp nguồn gà với số lượng khoảng 50, 60 con một ngày cho 4 địa điểm mà YGO sẽ bán hàng. Các sản phẩm của YGO là gà đắp bùn, gà nướng và các nguyên liệu đi kèm như xôi, xa lát… YGO cũng yêu cầu nhóm sơ chế và đảm bảo chất lượng cũng như quá trình kiểm dịch.

Tuy nhiên, 50 con gà một ngày thì nhóm lại chưa đủ năng lực cung cấp. Hiện tại cả nhóm đang ra sức về quê tìm đến các hợp tác xã nông lâm sản, những người có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng mà Hà Nội cần. Nhóm đã tìm được 2 hợp tác xã muốn hợp tác, nhưng họ lại chờ khi nào nhóm tìm được đầu ra tiêu thụ ổn định thì họ mới bắt tay vào làm.

Khó khăn vẫn đang chồng chất, bởi vậy, các bạn đang rất cần những người đồng hành hoặc ít nhất là người tài trợ cho mình với hình thức cùng nghiên cứu hoặc đề ra những biện pháp cùng thực hiện, có những góp ý, kết nối và cùng làm. Tìm được một Tổ chức hay một Công ty đỡ đầu là điều mà cả nhóm chờ đợi để giúp các bạn sớm thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.

 

 

 

 

Thu Hà/VOV4

 

THU HÀ

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC