Chàng trai người Dao từ chăn bò trở thành giám đốc
Thứ tư, 22:26, 15/09/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Từ một người chăn bò trở thành giám đốc HTX, chàng trai ngươi Dao- Triệu Quay Phúc đang là động lực để nhiều thanh niên dân tộc thiểu số học tập, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Sinh và lớn lên tại xã Đồn Đạc, xã nghèo nhất của huyện vùng núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh), như bao đồng bào dân tộc Dao ở xã, cuộc sống của anh Triệu Quay Phúc gắn bó với rừng và những vạt đồi cỏ dại.

Thôn Tàu Tiên, nơi gia đình Triệu Quay Phúc sinh sống có gần 120 hộ, đa phần là người Dao Thanh Phán. Những năm trước, Triệu Quay Phúc cũng như tất cả người Dao ở Tàu Tiên chỉ biết trồng cây keo, chăn thả trâu bò và canh tác lúa nương nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Tìm tòi, học hỏi qua sách báo và Internet, năm 2020, anh Phúc quyết định ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ, chuyên cung ứng và chăm sóc cây giống, trong đó chủ lực là cây quế.

Anh Phúc chia sẻ: Từ 2015, tôi chuyển đổi từ trồng keo sang trồng quế, cho đến nay tôi nhận thấy cây quế rất có lợi thế, có giá trị cao hơn so với cây keo. Cây keo ảnh hưởng không tốt đến môi trường, trong khi trồng quế vừa giữ được sinh thái rừng vừa cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Việc chuyển đổi trồng cây keo sang trồng quế vừa giữ được sinh thái rừng vừa cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững

Cây quế trồng theo chu kì 10 năm cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng keo, thu hoạch xong sẽ không phải trồng lại lứa sau mà trở thành cây lâu năm.

Mỗi ha quế 10 năm tuổi cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm và con số này tăng dần. Đến khoảng 20 năm tuổi, mỗi ha quế có thể mang lại lợi nhuận 700 triệu đồng/năm. Khi cây quế còn nhỏ, để nâng cao hiệu quả kinh tế, diện tích trồng quế được kết hợp trồng xen cây dược liệu, cây ăn quả ngắn ngày.

Trồng quế xen cây dược liệu, cây ăn quả ngắn ngày.

Anh Triệu Kim Phượng, một thành viên HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ cho biết: Trước đây chưa có HTX, việc trồng quế còn nhỏ lẻ và chưa tập trung một mối, vậy nên chúng tôi quyết định thành lập HTX cùng anh Triệu Quay Phúc để liên kết với các hộ dân tạo thành đầu mối tập trung. Các hộ dân ở đây không có nhiều diện tích đất rừng nên đều trồng cây quế đan xen với một số cây ngắn ngày như Cá Sâm, dược liệu, cây ăn quả.

Mỗi năm, HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ cung ứng và hỗ trợ người trồng chăm sóc hơn 2.500 cây quế giống chất lượng cao. Hiện nay, HTX có 11 thành viên, liên kết 90 hộ dân trong xã Đồn Đạc với gần 180 ha rừng chuyển đổi từ trồng keo sang cây quế.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, công sức của anh Triệu Quay Phúc và Ban Quản trị HTX là không nhỏ. Khó khăn nhất là thời điểm HTX mới thành lập. Khi đó, người dân nơi đây chỉ quen với mô hình trồng keo lấy gỗ nguyên liệu nên việc một thanh niên quanh năm đuổi bò trên đồi như anh Triệu Quay Phúc lại đi vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng được coi là chuyện "lạ đời".

Không nản chí trước những khó khăn, anh Triệu Quay Phúc lại cùng các thành viên trong HTX và cán bộ xã Đồn Đạc đến từng hộ dân để vận động bà con cam kết hỗ trợ cây giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Anh Triệu Quay Phúc (Áo xanh bên trái) và các thành viên HTX gặp gỡ hộ dân để định hướng chuyển đổi từ trồng keo sang trồng quế

Ông Triệu A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc cho biết: Trên địa bàn xã Đồn Đạc, việc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều thông qua liên kết giữa người dân và HTX. Điều này tạo điều kiện phát triển kinh tế, có sự phối hợp chặt chẽ hơn và tạo ra sự đồng đều về chất lượng. Trong thời gian qua chúng tôi cũng vận động bà con nhân dân trong xã tham gia vào HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ của anh Triệu Quay Phúc để chuyển đổi từ trồng keo sang trồng quế, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhờ nguồn nguyên liệu quế dồi dào, HTX của Triệu Quày Phúc thu mua được hơn 250 tấn vỏ quế để bán cho các cơ sở chưng cất tinh dầu quế, tạo thu nhập ổn định cho 12 người với mức lương 8 triệu/1 tháng.

Không chỉ vậy, anh Phúc còn ấp ủ ý tưởng liên kết một số đối tác tại các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái để thành lập cơ sở chế biến, thiết lập mạng lưới tiêu thụ ổn định cho sản phẩm từ cây quế.

Ông Vi Thanh Vinh, trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Chẽ đánh giá: Đây là một tín hiệu tốt cho định hướng phát triển thêm diện tích trồng quế của xã Đồn Đạc cũng như các xã lân cận. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa cho HTX của anh Triệu Quay Phúc, tiến tới mục tiêu mở rộng sản xuất và tăng cường máy móc trang thiết bị để chế biến các sản phẩm từ cây quế, góp phần tăng giá trị kinh tế và ổn định thu nhập cho bà con nông dân.

Với hơn 300 ha đất trồng keo đã được chuyển đổi sang cây quế, HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Chẽ của anh Triệu Quay Phúc đang là nòng cốt cho việc chuyển đổi từ trồng keo sang trồng quế tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nơi đây.

Và câu chuyện về hành trình từ người chăn bò trở thành giám đốc HTX của Triệu Quay Phúc đang là động lực để nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trong thôn, trong xã học tập để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình./.

Thành Nam/VOV Đông Bắc

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC