VOV4.VN - Seri phim về "54 dân tộc Việt Nam - Cộng đồng và bản sắc" do Đài TNVN tổ chức sản xuất gồm 54 tập phim, trong đó có 16 tập phim về những dân tộc dưới 10.000 người. Phó Giáo sư - Tiến Sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN làm chủ biên. Ở phần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu tập phim về dân tộc Cờ Lao.
Người Cờ Lao còn có các tên gọi khác như Tứ Ðư, Ho Ki, Voa Ðề. Người Cờ Lao chia thành các nhóm địa phương gồm Cờ Lao Xanh, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Ðỏ với tổng dân số chưa đến 3.000 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Người Cờ Lao chuyển cư tới Việt Nam cách đây khoảng 150 - 200 năm. Họ có ngôn ngữ riêng, trước đây, các nhóm địa phương có phương ngữ khác nhau nhưng hiện nay đa số người Cờ Lao Ðỏ, Cờ Lao Xanh không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Tuỳ theo quá trình tiếp xúc, cộng cư họ quen sử dụng tiếng Quan hoả, tiếng Nùng hay tiếng Pu Péo, Hmông.
(Người Cờ Lao đến cư trú tại các địa phương vùng núi phía Bắc Việt Nam cách đây 150-200 năm)
Phụ nữ Cờ Lao mặc áo dài đến gối. Trên ngực và tay áo đắp thêm vải màu. Hiện nay chiếc áo trong với ống tay dài vẫn còn được sử dụng, còn chiếc áo ngoài với ống tay ngắn trở nên hiếm hơn.
Bộ phận người Cờ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá. Ngô là cây lương thực chính. Trên nương họ còn trồng đậu răng ngựa, lúa mạch, đậu Hà lan, su hào...
Bộ phận người Cờ Lao ở vùng núi đất chuyên sống bằng nghề làm ruộng bậc thang, lúa là cây lương thực chính. Nghề thủ công truyền thống là đan lát và làm đồ gỗ (bàn, hòm, yên ngựa, quan tài, các đồ đựng bằng gỗ). Nhiều làng có thợ rèn sửa chữa nông cụ.
(Ở những vùng địa hình thuận lợi, bà con Cờ Lao thường canh tác lúa ruộng bậc thang)
Người Cờ Lao thường sống thành từng làng khoảng 15 - 20 nóc nhà ở vùng núi đất huyện Hoàng Su Phì, hoặc núi đá tai mèo ở huyện Ðồng Văn (Hà Giang). Nhà ba gian hai trái, mái lợp cỏ gianh hoặc các ống vầu, nứa bổ đôi xếp úp ngửa. Người Cờ Lao Ðỏ làm nhà trình tường như người láng giềng Pu Péo. Họ dùng ngựa để thồ hàng. Họ quen dùng địu đan bằng giang có hai quai đeo vai. Hàng ngày họ phải địu nước về nhà; ở vùng núi đất, dùng máng lần đưa nước về đến tận nhà hay gần nhà.
Mỗi nhóm Cờ Lao thường có dòng họ khác nhau như các họ Vần, Hồ, Sếnh, Chảo (Cờ Lao Trắng), Min, Cáo, Sú Lý (Cờ Lao Ðỏ), Sáng (Cờ Lao Xanh). Gia đình nhỏ phụ hệ là phổ biến. Nếu nhà không có con trai, người ta thường lấy rể về ở rể. Con rể vẫn giữ họ của mình nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ. Người ở rể có bàn thờ tổ tiên mình và bàn thờ bố mẹ vợ./.
Viết bình luận