16 dân tộc rất ít người trên lãnh thổ Việt Nam - Dân tộc Lô Lô (Phần 1)
Thứ hai, 00:00, 11/03/2019 vov vov
VOV4.VN - Seri phim về "54 dân tộc Việt Nam - Cộng đồng và bản sắc" do Đài TNVN tổ chức sản xuất gồm 54 tập phim, trong đó có 16 tập phim về những dân tộc dưới 10.000 người. Phó Giáo sư - Tiến Sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN làm chủ biên. Ở phần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu tập phim về dân tộc Lô Lô.

Nét đặc trưng trong trang phục phụ nữ Lô Lô là dùng nhiều phương pháp đắp ghép vải và ưa dùng các gam màu sặc sỡ. Người Lô Lô chủ yếu làm ruộng nước và nương định canh, chăn nuôi. Bữa ăn của người Lô Lô chủ yếu là ngô, các sản phẩm chế biến từ ngô. Họ thường dùng bát và thìa bằng gỗ. Người Lô Lô ở nhà trệt, nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa trệt ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai). Người Lô Lô sống tập trung trong các bản tương đối ổn định. Tính cộng đồng tộc người thể hiện rõ nét.

 

 

Người Lô Lô Có hơn 30 dòng họ khác nhau. Mỗi dòng họ thường quần tụ trong phạm vi một làng bản, thờ cúng chung một ông tổ và có một khu nghĩa địa riêng nằm trong nghĩa địa chung của công xã. Người Lô Lô thích các quan hệ hôn nhân nội tộc người và thực hiện nguyên tắc ngoại hôn giữa các dòng họ.

Khoảng thế kỷ thứ 14, người Lô Lô đã có chữ tượng hình với 140 bộ thủ. Người ta dùng phương pháp ghép bộ thủ để diễn đạt nghĩa. Chữ được ghi trên các tấm gỗ mỏng, trên da thú hoặc loại giấy dày, thô. Tới nay chỉ có một số gia đình còn giữ lại được một vài mảnh có ghi lại loại chữ đó mà ít ai đọc được.

Người Lô Lô là một trong số ít các dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Truyện kể rằng: xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh.

 

Trống đồng với tư cách là nhạc khí chỉ được dùng trong đám tang, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian của cộng đồng. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống.

Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên. Chỉ có trong đám ma mới đánh trống đồng. Ngày thường, người ra chôn trống dưới đất ở nơi sạch sẽ, kín đáo./.

 

vov

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC